Khắc phục hậu quả bão số 3, chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp
Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương hiện đang nỗ lực, chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp sau bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn đến ngày 11/9 cho các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm.
Vì vậy cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đang chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp.
Ổn định cuộc sống của nhân dân và hoạt động sản xuất
Chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 diễn ra sáng 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3, trên tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách hơn."
Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã xuống tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình xuống các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng; Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đến các tỉnh miền núi phía Bắc; Phó Thủ tướng Lê Thành Long đến các địa phương Hưng Yên và Hải Dương; Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đến các địa phương Lào Cai và Yên Bái để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 3; các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc và miền Trung về công tác khắc phục tác động, hậu quả của bão số 3 và triển khai công tác khám, chữa bệnh.
Để nhanh chóng khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại và sớm triển khai các hoạt động bình thường của các bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị đối với trường hợp bệnh nhân cấp cứu chấn thương nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, bệnh viện cần tổ chức hội chẩn chuyên môn hoặc chuyển bệnh viện khác kịp thời.
Các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đang tập trung, coi việc ổn định cuộc sống của nhân dân và hoạt động sản xuất là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Trực tiếp đôn đốc, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão tại quận Bắc Từ Liêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận Bắc Từ Liêm tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo trong ngày 8/9 phải khôi phục hệ thống giao thông để ngày 9/9 người dân đi làm, sinh hoạt bình thường.
Với những cây xanh gãy đổ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ, trồng lại; đồng thời yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các nhà trường theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mức độ thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra và tình hình thực tế của đơn vị để chủ động quyết định thời gian học sinh trở lại trường bảo đảm thực hiện tốt khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.
Với các nhà trường chưa thể đón học sinh trở lại trường theo kế hoạch, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, đồng thời chủ động có kế hoạch dạy bù cho học sinh.
Là địa phương ảnh hưởng nặng nề do bão số 3, Quảng Ninh đã mất điện và hệ thống liên lạc trên diện rộng. Đến nay, VNPT Quảng Ninh đã khôi phục 64/301 trạm BTS do mất điện, đứt cáp quang, đổ cột.
Riêng huyện Cô Tô dịch vụ di động, một số kênh Internet quan trọng của khối chính quyền và công an, quân đội đều được chuyển sang hướng dự phòng Vi Ba. Xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn) khôi phục thêm trạm BTS Minh Châu lên Vi Ba từ 12 giờ ngày 8/9.
VNPT Quảng Ninh đã cử cán bộ, công nhân đi các địa phương tiến hành khắc phục. Từ ngày 9/9, VNPT sẽ tăng cường khoảng 150 cán bộ tinh nhuệ từ các địa phương khác hỗ trợ Quảng Ninh khắc phục toàn tỉnh.
Do tác động của bão số 3, toàn bộ hệ thống tuyến truyền dẫn cả ngầm và treo Viettel Quảng Ninh đều bị đứt do sạt đường và cây đổ. Đến 15 giờ ngày 8/9 Viettel Quảng Ninh đã phát sóng trở lại 60%, dự kiến đến tối cùng ngày sẽ phát sóng được 80%.
Công ty Điện lực Quảng Ninh khôi phục được 9/50 đường dây 110kV; đóng điện được 8 trạm biến áp 110kV và 12/80 đường dây trung áp, trong đó có thành phố Móng Cái cơ bản được cấp điện trở lại.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu các ngành viễn thông, điện, nước và vệ sinh môi trường khẩn trương khắc phục sự cố với quyết tâm viễn thông phải khắc phục nhanh nhất có thể.
Nếu thiệt hại ngoài tầm kiểm soát, cần báo cáo sớm để thành phố đề xuất lên Trung ương tăng cường nguồn lực. Ngành điện lực ưu tiên điện cho các khu, cụm công nghiệp để khắc phục, tái sản xuất. Cùng với đó, ưu tiên các nhà máy nước để tái cấp nước trở lại. Ngày 9/9, phải đảm bảo giao thông thông suốt các quận, huyện.
Ngày 8/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã bỏ lệnh cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 3, cho phép ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản và hoạt động trên biển kể từ 14 giờ ngày 8/9.
Các chủ tàu, thuyền phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh và xử lý kịp thời các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, duy trì liên lạc với gia đình, Ủy ban Nhân dân xã và các đơn vị có liên quan.
Ứng phó với mưa lũ ở Bắc Bộ
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sau bão số 3, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ có mưa to đến rất to. Các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La đã quyết định cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 9 và 10/9. Nếu tình hình mưa lớn vẫn tiếp diễn sau ngày 10/9, sẽ có chủ trương chỉ đạo tiếp theo.
Đối với các cơ sở giáo dục có học sinh nội trú, bán trú, tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trường hợp khu nội trú, bán trú có nguy cơ mất an toàn khi thiên tai xảy ra, nhà trường chủ động thông báo tới cha, mẹ học sinh đến đón con, em về nhà đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Trường hợp học sinh không có người nhà đến đón hoặc việc di chuyển có nguy cơ mất an toàn, nhà trường báo cáo chính quyền địa phương, tổ chức di chuyển học sinh đến khu vực an toàn; chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống cho học sinh.
Các cơ sở giáo dục tổ chức ứng trực 24/24 giờ; cập nhật đầy đủ thông tin về diễn biến thiên tai, báo cáo và tham mưu kịp thời cấp có thẩm quyền về diễn biến thiên tai và phương án ứng phó bão.
Cùng với đó là tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền đến phụ huynh, các tổ dân phố không để học sinh đi qua khu vực sông suối, đập tràn, vùng có nguy cơ lở đất, ngập úng, lũ quét; khẩn trương ổn định, khắc phục hậu quả sau mưa bão, đảm bảo các điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh; đưa các hoạt động của nhà trường trở lại bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã có văn bản yêu cầu tạm dừng đón khách du lịch tại các khu, điểm du lịch từ ngày 8/9 đến khi có thông báo mới của Ủy ban Nhân dân thị xã.
Hiệp hội du lịch tỉnh Lào Cai thông báo tới các doanh nghiệp thành thành viên trong Hiệp hội chủ động đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; đồng thời dừng đưa khách du lịch đi tham quan các điểm du lịch và các hoạt động ngoài trời từ ngày 8/9 cho đến khi có thông báo mới của Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa.
Rạng sáng 8/9, nước lũ bất ngờ dâng cao, chảy xiết gây ngập sâu tại một số khu vực trên địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Chính quyền, lực lượng chức năng địa phương đã “giải cứu” thành công 35 người ở trong những ngôi nhà bị ngập ra ngoài, đưa đến nơi an toàn.
Chính quyền, các sở, ban, ngành…17 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng) và Thanh Hóa chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” canh gác tại các khu vực cầu tràn, đường bị ngập sâu đảm bảo an toàn nhất cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Các lực lượng cũng tích cực, khẩn trương thu dọn cây đổ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, khắc phục sự cố về lưới điện kịp thời phục vụ đời sống, sản xuất.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến 17 giờ 30 ngày 8/9 bão số 3 đã khiến 22 người chết, mất tích (trong đó do bão 9, sạt lở đất 12, lũ cuốn 1) và 229 người bị thương.
Bão số 3 khiến 8.017 nhà ở bị hư hỏng; 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; gây sự cố 5 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220kV, 97 đường dây 110kV. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương và thủ đô Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng…
Bão số 3 cũng gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp với 109.382ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc); 17.921ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.902 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.100 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh)./.