Khắc phục "điểm nghẽn" trong tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải quyết tính cơ học trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023."
Tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong số đó, nổi bật là công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện quyết liệt, góp phần làm chuyển biến, thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập và toàn xã hội.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015-2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33% trong khi chỉ tiêu 10%).
Các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; giai đoạn 2015- 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa đầy đủ, kịp thời.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học. Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021-2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp.
Để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo chủ trương của Đảng, Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ chủ trương của Đảng, khắc phục các bất cập, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong năm 2024, hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên cơ sở vị trí việc làm, đạt mục tiêu đề ra, có tính đến đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo, y tế.
Nghiên cứu sâu hơn về 3 "điểm nghẽn"
Đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là chuyên đề giám sát khó, có phạm vi rất rộng nhưng trong thời gian không dài, Đoàn giám sát đã chủ động triển khai bài bản, báo cáo rất đầy đủ, chi tiết, có các phụ lục kèm theo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội ra nghị quyết, Chính phủ đã thể chế hóa để thực hiện hết sức quyết liệt việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu rõ kết quả đạt được và các hạn chế; vấn đề trọng tâm là phải thấy được hạn chế, tìm ra nguyên nhân để khắc phục trong thời gian tới.
Nêu băn khoăn liệu giải pháp đã thực sự đủ mạnh, đã bao trùm, giải quyết đến nơi, đến chốn và khắc phục dứt điểm các hạn chế, tồn tại mà Báo cáo giám sát chỉ ra hay chưa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu sâu hơn về 3 "điểm nghẽn."
Đó là giải quyết cho được tính cơ học là chủ yếu trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, có cơ chế, chính sách để các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bình đẳng với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Nhà nước trong khả năng tiếp cận các nguồn lực trên thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đoàn giám sát; đánh giá Báo cáo kết quả giám sát rất công phu, đồ sộ, đã bám sát mục đích, yêu cầu đề cương, đã chỉ ra các kết quả cũng như tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh băn khoăn, kết quả sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 vượt mục tiêu đề ra nhưng từ giai đoạn 2021-2023 có xu hướng chậm lại.
Dẫn thực tế triển khai cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước ở giai đoạn đầu làm rất nhanh, rất tốt ở những đơn vị đủ điều kiện, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng ở những đơn vị sự nghiệp công lập còn lại đang có những vướng mắc, bất cập nên phải làm rõ và có những giải pháp quyết liệt thì mới đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới.
Tại phiên họp, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023"./.