Khắc phục bất cập trong quy định về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ
Thực tế cho thấy quá trình triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc mà các quy định hiện hành chưa giải quyết được, nên cần phải nâng lên thành luật.
Ngày 5/7, Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (dự án Luật) đã diễn ra tại Hà Nội, với sự chủ trì của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban soạn thảo.
Tham dự có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Những năm qua, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam về cơ bản đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc mà các quy định hiện hành chưa giải quyết được, nên cần phải nâng lên thành luật.
Trong đó có một số bất cập đáng chú ý như quy trình, thủ tục triển khai cá nhân, đơn vị tới địa bàn phải thực hiện qua nhiều bước, trình nhiều cấp có thẩm quyền cho ý kiến và xem xét, quyết định, nhưng việc đề xuất, xem xét giảm thiểu quy trình, thủ tục triển khai lực lượng gặp nhiều khó khăn do bị điều chỉnh bởi Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Hội đồng Quốc phòng và An ninh và các quy định có liên quan của Đảng.
Để bảo đảm thời gian triển khai lực lượng đáp ứng được yêu cầu, việc rút ngắn quy trình, thủ tục cử lực lượng là vấn đề cấp bách, cần thiết, đặc biệt là quy trình rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng, trang thiết bị cho lực lượng Việt Nam tại địa bàn.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ còn bất cập, chưa có sự đồng thuận giữa các ban, bộ, ngành liên quan.
Một số chế độ chính sách còn chưa mang tính ưu tiên, khuyến khích cao, nhất là đối với lực lượng nữ trong khi chính sách của Liên hợp quốc khuyến khích và yêu cầu quốc gia cử quân tăng tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…
Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng; củng cố sự đồng thuận chính trị và ủng hộ của xã hội đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước; đóng góp hiệu quả vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đây cũng là việc làm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục hạn chế, bất cập trong thi hành pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, thuận lợi cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về quy chế và phương pháp làm việc của Ban soạn thảo; cho ý kiến về việc xây dựng kế hoạch, lộ trình soạn thảo dự án Luật và một số nội dung như tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng luật. Theo đó, tùy tình hình nhu cầu thực tiễn nhiệm vụ và khả năng, nhu cầu của Việt Nam để đưa ra những đề xuất điều chỉnh phạm vi và đối tượng áp dụng cho phù hợp.
Các ý kiến cũng thống nhất về đối tượng áp dụng của dự án Luật phải bao gồm lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và dân sự; đồng thời cho rằng cần điều chỉnh một số mốc thời gian trong lộ trình xây dựng dự án Luật cho phù hợp với khối lượng công việc phải triển khai ở từng giai đoạn, nhằm bảo đảm kịp tiến độ đề ra; tăng cường các hoạt động làm việc chuyên môn và hoạt động nhóm thông qua các hội thảo, hội nghị để tiếp thu được nhiều nhất có thể ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cơ quan chức năng cho dự án Luật.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật phải bảo đảm không tạo ra mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ và khắc phục được hạn chế trong thực tiễn triển khai nhiệm vụ liên quan.
Quá trình xây dựng dự án Luật cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hồ sơ và các văn bản quy phạm pháp luật, bám sát các chính sách liên quan đã được chính phủ thông qua và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị bổ sung báo cáo tác động chính sách vào hồ sơ dự án Luật.
Phát biểu chỉ đạo, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng dự án Luật, vì tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, trực tiếp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá tích cực tinh thần làm việc khẩn trương của Ban soạn thảo, Tổ biên tập do Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; đánh giá cao các ý kiến đóng góp chất lượng và trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành.
Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, quá trình đề nghị xây dựng Dự án luật phải bám sát Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã được Bộ Chính trị thông qua, Đề án của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo…/.