Khác biệt chính sách ảnh hưởng thế nào đến kinh tế châu Âu và Mỹ?
Trong trường hợp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện giảm lãi suất, điều này sẽ đi ngược lại với chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và có thể sẽ khiến đồng euro mất giá.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tuần tới.
Nếu điều này xảy ra, chính sách của ECB sẽ đi ngược lại với chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều này có thể sẽ khiến đồng euro mất giá.
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các số liệu kinh tế sắp được công bố của Mỹ và quyết định lãi suất của Canada sẽ là hai trong số những vấn đề nổi bật của tuần tới.
Ngoài ra, châu Á cũng chuẩn bị đón nhận một loạt báo cáo kinh tế - điều có thể tác động đến chính sách của các quốc gia trong châu lục.
Eurozone
Gần như chắc chắn, ECB sẽ hạ lãi suất tương đương 25 điểm cơ bản. Điều này cho thấy các quan chức của ngân hàng đã chấp nhận rủi ro gia tăng chênh lệch về lãi suất cho vay giữa hai bên bờ Đại Tây Dương – vấn đề đã được thảo luận trong nhiều tháng.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB do Chủ tịch Christine Lagarde lãnh đạo đã khẳng định rằng họ cảm thấy thoải mái với việc chính sách của họ có sự khác biệt với Fed, ngay cả khi điều đó có nguy cơ khiến đồng euro yếu hơn và làm lạm phát gia tăng.
Lộ trình nới lỏng chính sách của ECB sẽ phụ thuộc vào lạm phát. Các báo cáo gần đây đều cho thấy áp lực giá tiêu dùng tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ kéo dài.
Gần đây nhất, thước đo lạm phát cơ bản của tháng 5/2024 đã bất ngờ tăng lần đầu tiên sau một năm.
ECB đã có thể thấy sự khác biệt về chính sách đã bắt đầu tác động đến thị trường toàn cầu như thế nào. Đồng euro đã giảm xuống mức yếu nhất so với đồng bảng Anh trong gần hai năm do Ngân hàng trung ương Anh được cho là sẽ “chậm chân” hơn so với ECB trong việc hạ lãi suất.
Bloomberg Economics dự báo ECB sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng Sáu và sau khi tạm dừng vào tháng Bảy, ngân hàng sẽ thực hiện nhiều mức giảm tương tự vào các tháng Chín, tháng 10 và tháng 12.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy Fabio Panetta tuần trước thừa nhận rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ gây ra rủi ro tiền tệ đối với giá cả, nhưng chính sách thắt chặt của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu và từ đó hạn chế lạm phát ở Eurozone.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo Robert Holzmann lại tỏ ra lo lắng hơn khi thừa nhận rằng các yếu tố như Fed và đồng USD là thách thức rất rõ ràng nhưng lại đang bị bỏ qua vì sự thuận tiện hoặc thoải mái của những người liên quan.
Cùng với việc đưa ra quyết định về lãi suất, ECB cũng sẽ đưa ra dự báo quý trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 6/6 tới.
Những dữ liệu này, cùng với nội dung cuộc họp báo của Chủ tịch Christine Lagarde, đang được giới đầu tư săn đón để tìm kiếm manh mối về các ý định chính sách trong tương lai của ngân hàng.
Các thị trường tiền tệ hiện dự đoán ECB sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm nay.
Tại Đan Mạch, Ngân hàng trung ương nước này có thể sẽ hưởng ứng quyết sách của ECB bằng việc cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất vài giờ sau khi kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu được công bố.
Mỹ và Canada
Sau dữ liệu về chi tiêu và lạm phát mới tại Mỹ, báo cáo sắp công bố của chính phủ được cho là sẽ phản ánh tăng trưởng việc làm khiêm tốn vào tháng 5/2024.
Dự báo của Bloomberg cho thấy mức tăng là 190.000 việc làm, chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.
Điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm trung bình trong ba tháng gần đây nhất và cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nhu cầu lao động đang yếu đi.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ, dựa trên một cuộc khảo sát riêng biệt đối với các hộ gia đình, được dự đoán sẽ ở mức 3,9%.
Thu nhập trung bình mỗi giờ được dự đoán đã tăng 3,9% kể từ tháng 5/2023. Trong khi tăng trưởng thu nhập đang ở mức thấp nhất của ba năm, mức tăng lương của người lao động vẫn mạnh hơn so với mức trước đại dịch.
Ngoài dữ liệu của chính phủ, trong các ngày 3 và 5/6 tới, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ cũng sẽ công bố kết quả khảo sát trong tháng 5/2024 đối với các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ.
Nhìn về phía Bắc nước Mỹ, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) có thể sớm bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Nước này đã có 4 kỳ báo cáo ghi nhận tình trạng giảm phát liên tiếp.
Trong khi đó, một báo cáo công bố hôm 31/3 đã cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến.
Các chuyên gia kinh tế và thương nhân thường kỳ vọng BoC sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất chính sách chủ chốt vào ngày 5/6. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều không chắc chắn về phản ứng của Thống đốc Tiff Macklem và các nhà hoạch định chính sách của ông.
Nếu tiêu dùng hộ gia đình diễn biến mạnh mẽ và tăng trưởng việc làm vượt kỳ vọng, BoC có thể chọn giải pháp chờ đợi thêm và bắt đầu chu kỳ nới lỏng tại cuộc họp ngày 24/7.
Châu Á
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á sẽ công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vào ngày 3/6 tới.
Chỉ số PMI Caixin trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc có thể sẽ cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tiếp tục phát triển.
Chỉ số này được dự báo sẽ tăng nhẹ trong tháng 5/2024 để đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp nằm trên ngưỡng 50 (là ranh giới giữa tăng và giảm).
Kinh tế Australia cũng được dự báo tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm, cũng là quý tăng trưởng thứ 10 liên tiếp của nền kinh tế này./.