Kêu gọi ủng hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini được quy định thế nào?
Nhà nước khuyến khích, tôn vinh, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, tai nạn nghiêm trọng nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật.
Những hình ảnh vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ khiến dư luận xót xa, thương cảm. Ngay sau vụ cháy, các cơ quan chức năng đã triển khai hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân, hàng chục tỷ đồng cũng đã được quyên góp để hỗ trợ cho nạn nhân của vụ cháy. Tuy nhiên, cùng với các kênh hỗ trợ chính thống, trên mạng xã hội đã xuất hiện những trang Facebook nghi giả mạo lợi dùng lòng tốt của người dân kêu gọi ủng hộ gây bức xúc.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về việc thực hiện các quy định triển khai hỗ trợ khẩn cấp trong các vụ thảm họa thiên tai, sự cố, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
- Xin ông cho biết việc tổ chức hỗ trợ khẩn cấp nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini được thực hiện như thế nào?
Ông Tô Đức: Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân như: Hỗ trợ tiền mặt; tiền thuê nhà; chi phí điều trị; tiền mua sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ em; hỗ trợ tổ chức mai táng cho nạn nhân không may tử vong…
Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt 37 triệu đồng/người thiệt mạng và 12.400.000 đồng/người bị thương. Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10 triệu đồng đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện.
[Trao hỗ trợ tới gia đình các nạn nhân trong vụ cháy chung cư Khương Hạ]
Các hộ gia đình cũng được hỗ trợ tiền thuê nhà mức 5 triệu đồng/hộ trong thời gian hỗ trợ từ 1-6 tháng. Đối với sinh viên, công nhân, người lao động thuê (hoặc ở ghép tại căn hộ) hỗ trợ mỗi cá nhân 1,5 triệu/người/tháng, thời gian hỗ trợ từ 1-6 tháng.
Toàn bộ chi phí tại bệnh viện đối với người bị thương trong vụ hỏa hoạn phải điều trị tại bệnh viện cũng được thành phố Hà Nội hỗ trợ. Tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ hỏa hoạn, mức 5 triệu đồng/trẻ cũng được hỗ trợ trích từ nguồn kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố Hà Nội.
Thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ hỏa táng, hỗ trợ áo quan, túi đồ khâm liệm, bình tro hỏa táng, hỗ trợ xe tang đưa thi hài hoặc tro cốt nạn nhân về các địa phương.
Ngoài ra, Thành phố Hà Nội cũng đã giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là đơn vị tiếp nhận các nguồn quyên góp để tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini.
Trong những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân cũng đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên các nạn nhân bị ảnh hưởng của vụ cháy.
- Đối với những sự cố, thảm họa thiên tai, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thì công tác hỗ trợ nạn nhân thường được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Tô Đức: Công tác hỗ trợ nạn nhân do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sự cố đặc biệt nghiêm trọng và các lý do bất khả kháng khác gây ra sẽ được các cơ quan chức năng triển khai ngay lập tức, tập trung vào giải thoát, di dời nạn nhân khỏi khu vực nguy hiểm, cứu chữa người bị thương, tổ chức mai táng cho người không may bị chết; bố trí chỗ ở tạm thời, hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho nạn nhân; hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em có cha mẹ bị chết, mất tích; hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất sau thiên tai, sự cố, thảm họa.
Chẳng hạn như trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội ngày 13/9/2023 đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ nạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại chung cư quận Thanh Xuân với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nắm bắt tình hình thiệt hại; tiếp nhận và tổ chức tang lễ, hoả táng cho các nạn nhân; vận chuyển thì hải hoặc hài cốt các nạn nhân về gia đình an táng; phân công 5 đoàn công tác trực tiếp đi thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân bị thiệt hại; thực hiện các biện pháp hỗ trợ đột xuất cho các nạn nhân bị thiệt hại theo quy định Nghị định số 20/202U/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
- Hiện nay rất nhiều người dân, tổ chức quan tâm muốn ủng hộ cho các nạn nhân, vậy đâu là các kênh tiếp nhận uy tín?
Ông Tô Đức: Việc ủng hộ, hỗ trợ tự nguyện cho nạn nhân cần được thực hiện theo quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/102021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo. Theo đó, người dân có thể ủng hộ thông qua các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc; Hội Chữ thập đỏ; các quỹ từ thiện, nhân đạo; các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân hoặc có thể trực tiếp ủng hộ, hỗ trợ người dân trên cơ sở được sự đồng ý của ủy ban nhân cấp xã nơi nạn nhân cư trú.
- Thực tế đã xuất hiện các cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp hỗ trợ cho các nạn nhân, theo ông thì cần lưu ý gì khi thực hiện hỗ trợ theo hình thức này?
Ông Tô Đức: Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Tuy nhiên, cá nhân đứng ra kêu gọi, quyên góp cần thực hiện theo các quy định tại Điều 17 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Theo đó, các cá nhân phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
Theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Khi thực hiện hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết.
- Việc thanh kiểm tra triển khai quá trình kêu gọi và chi trả hỗ trợ được quy định và thực hiện như thế nào đối với các tổ chức như mặt trận, hội chữ thập đỏ… hay các cá nhân, thưa ông?
Ông Tô Đức: Nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra quá trình kêu gọi và chi trả hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đã được quy định cụ thể tại Điều 25 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, theo đó các Bộ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều được quy định về trách nhiệm thực hiện theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ của nhân dân và các địa phương đảm bảo đúng chế độ, chính sách.
Quá trình thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, đột xuất, có thể được thực hiện trong và ngay sau khi quá trình quyên góp, ủng hỗ, hỗ trợ kết thúc.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!