Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để điều động, bổ nhiệm cán bộ
Thực hiện Nghị quyết mới, các vấn đề về công tác cán bộ sẽ được theo sát và xử lý sớm nhất có thể, hạn chế để xảy ra tình trạng cán bộ có tín nhiệm thấp vẫn tiếp tục giữ chức vụ trong thời gian dài.
Chiều nay, 23/6, với hơn 95% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã để bảo đảm thống nhất với phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tổng số những người giữ các chức vụ, chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là khá lớn. Do đó để bảo đảm hiệu quả thiết thực của việc lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết chỉ xác định đối tượng thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm là những người giữ chức vụ có tầm ảnh hưởng quan trọng đến việc ban hành và thực thi chính sách hoặc người giữ chức vụ tại các cơ quan hoạt động thường xuyên và có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mà không áp dụng đồng loạt đối với tất cả các chức vụ, chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn.
[Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm: Nâng cao trách nhiệm từ ba phía]
Còn về các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng lấy phiếu tín nhiệm là một kênh giám sát quan trọng của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Quy định số 96-QĐ/TW đã xác định cụ thể các trường hợp không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị quyết theo hướng không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh sửa quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 để làm rõ hơn các trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép người được bỏ phiếu tín nhiệm giải trình trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân sau khi thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý quy trình bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong Nghị quyết để bảo đảm thống nhất với quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Đặc biệt, hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 12, Điều 17) là vấn đề được đông đảo đại biểu Quốc hội quan tâm. Có ý kiến tán thành cần có cơ chế cho người có phiếu tín nhiệm thấp chủ động xin từ chức, bổ sung thời hạn xin từ chức... Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị cần thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm luôn để bảo đảm tính nghiêm minh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Nghị quyết đã thể hiện nhất quán và đầy đủ tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm và yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
"Để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết không quy định quá chi tiết tất cả các trường hợp về xử lý hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước," Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải trình.
Đối với ý kiến đề nghị quy định người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét miễn nhiệm ngay tại kỳ họp đó mà không chờ đến kỳ họp sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc dự thảo Nghị quyết quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với người có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” có thể được thực hiện tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất là để bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện các quy trình về công tác nhân sự.
Quy định như vậy cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân ở địa phương, khi kỳ họp của Hội đồng nhân dân thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn.
“Mặt khác, tại Điều 19 của Nghị quyết đã bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân đến cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và cơ quan cấp trên trực tiếp để thực hiện giám sát, nên các vấn đề về công tác cán bộ sẽ được theo sát và xử lý sớm nhất có thể, hạn chế để xảy ra tình trạng cán bộ có tín nhiệm thấp vẫn tiếp tục giữ chức vụ trong thời gian dài sau đó,” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình về việc chỉnh lý, tiếp thu các ý kiến cách tính tỷ lệ kết quả phiếu tín nhiệm. Theo đó, tổng số phiếu được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu tín nhiệm là tổng số phiếu thu về khi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để bảo đảm thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW./.