Kết nối, xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ
Cộng đồng doanh nghiệp hai nước được tạo điều kiện tham gia phiên kết nối giao thương trực tiếp để tìm kiếm đối tác mới và tăng cường mối quan hệ kinh doanh trong thời gian tới.
Nhằm tạo cơ hội kinh doanh, kết nối doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ, ngày 26/8, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức sự kiện “Kết nối doanh nghiệp và đầu tư Việt Nam-Ấn Độ” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại sự kiện, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ được nhiều đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư Ấn Độ cung cấp những thông tin hữu ích về môi trường đầu tư và những chính sách phát triển quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp còn tạo điều kiện tham gia phiên kết nối giao thương trực tiếp để tìm kiếm đối tác mới và tăng cường mối quan hệ kinh doanh trong thời gian tới.
Điển hình, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia chủ chốt trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, được biết đến nhờ tính hiệu quả và lợi thế cạnh tranh, trong khi Ấn Độ với truyền thống dệt may đa dạng và khả năng sản xuất tiên tiến là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất dệt may. Do đó, sự kết hợp thế mạnh đổi mới công nghệ của Ấn Độ và hiệu quả chi phí của Việt Nam có thể tạo ra một liên minh thúc đẩy ngành dệt may phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, mở ra thị trường mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về hàng dệt may chất lượng cao.
Hay trong ngành công nghiệp thực phẩm, Ấn Độ và Việt Nam sở hữu bề dày phong phú về truyền thống ẩm thực và tài nguyên nông nghiệp. Với cơ sở nông nghiệp rộng lớn và chuyên môn về chế biến thực phẩm của Ấn Độ có thể bổ sung cho lĩnh vực sản xuất thực phẩm đang phát triển của Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam-Ấn Độ còn có thể góp phần tăng cường an ninh lương thực, đẩy mạnh hoạt động bền vững và giới thiệu đa dạng sản phẩm thực phẩm ra thị trường quốc tế bằng kết nối mối quan hệ hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những nỗ lực kết nối giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ mang lại cơ hội đổi mới trong công nghệ thực phẩm, quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn và tăng xuất khẩu.
Theo Tiến sỹ Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ, sự kiện “Kết nối doanh nghiệp và đầu tư Việt Nam-Ấn Độ” lần này có sự tham dự của đại diện chính quyền Bang Punjap (Ấn Độ) và 25 tập đoàn, nhà sản xuất, kinh doanh uy tín của Ấn Độ, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong số đó, có thể kể đến doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông sản-thực phẩm, vật liệu xây dựng, hóa chất, dược phẩm, thương mại tổng hợp, cơ khí máy móc, may mặc, công nghệ thông tin…
Còn ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam và Ấn Độ đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 20 tỷ USD trong thời gian tới, nên nhằm hiện thực hóa mục tiêu này hai nước cần tăng cường hợp tác đa dạng lĩnh vực có thế mạnh và hỗ trợ nhau. Đặc biệt, sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa Việt Nam-Ấn Độ luôn được Chính phủ hai nước quan tâm và củng cố không ngừng trên mọi lĩnh vực.
Cụ thể, mối quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam-Ấn Độ đã có bước phát triển tích cực như Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ, điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa hai nước trong những năm gần đây.
Thống kê, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm nay đạt 7,18 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư; Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế… do đó còn rất nhiều dư địa để tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại song phương trong thời gian tới.
Về đầu tư, tính đến tháng Tư vừa qua, Ấn Độ có 402 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 1,021 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Những dự án đầu tư của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch…/.