Kết nối tỉnh Hà Nam và Bạc Liêu với các đối tác Australia
Bạc Liêu và Hà Nam đã giới thiệu về các thế mạnh, nhu cầu và chính sách ưu đãi của hai địa phương với các nhà đầu tư nước ngoài, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Ngày 20/4, trong khuôn khổ “Chương trình quảng bá Việt Nam tại Australia," buổi tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Australia” với trọng điểm là hai tỉnh Bạc Liêu và Hà Nam đã diễn ra tại thành phố Sydney
Cuộc tọa đàm có sự tham dự của bà Kylie Bell - Thứ trưởng Thương mại và Đầu tư bang New South Wales; ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu; bà Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam; bà Dianne Tipping - Chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu Australia; Ban lãnh đạo trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) cùng gần 80 đại biểu là đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp của Việt Nam và Australia.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Thắng - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Queensland và bang Nam Australia, cho biết quan hệ song phương giữa Việt Nam và Australia đã đạt được những bước phát triển rõ rệt, ngày càng đa dạng và bền chặt hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ sau khi hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2018.
Quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước cũng phát triển tốt đẹp trên cơ sở triển khai “Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia."
Trong bối cảnh đó, buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, nhằm kết nối tỉnh Hà Nam và tỉnh Bạc Liêu với các đối tác Australia vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, và bà Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam, đã giới thiệu về các thế mạnh, nhu cầu và những chính sách ưu đãi của hai địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Lãnh đạo hai tỉnh Bạc Liêu và Hà Nam cũng tìm hiểu nhu cầu, lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của các nhà đầu tư Australia.
Ngoài giới thiệu các sản phẩm thế mạnh như tôm, gạo chất lượng cao…, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã mời gọi các doanh nghiệp Australia đầu tư vào nhà máy chế biến tôm để xuất khẩu, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án giáo dục và y tế chất lượng cao tại tỉnh.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Hà Nam khẳng định sự đồng hành của tỉnh đối với các nhà đầu tư, xác định thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh, đồng thời kêu gọi tăng cường hơn nữa hợp tác giữa tỉnh Hà Nam và các nhà đầu tư Australia trong phát triển các khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng và giáo dục đào tạo chất lượng cao.
Tham dự buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan thương mại và doanh nghiệp của Australia khẳng định Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Australia trong khu vực.
Các đại biểu Australia cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của chính phủ và các địa phương Việt Nam trong việc triển khai các dự án của các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa các bên trong thương mại và đầu tư.
[Mối quan hệ Việt Nam-Australia đang bền chặt và phát triển tốt đẹp]
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Sydney, ông Brent Thomson - Giám đốc Điều hành của Công ty GEO Scan Australia Pacific chuyên về năng lượng tái tạo, cho biết công ty của ông rất quan tâm đến việc tìm hiểu và đầu tư vào hai tỉnh Bạc Liêu và Hà Nam.
Theo ông Thomson, tỉnh Bạc Liêu hội tụ rất nhiều điều kiện rất thuận lợi để phát triển điện gió và điện Mặt Trời, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí. Trong khi đó, Hà Nam có rất nhiều phong cảnh đẹp, vì vậy tỉnh này có lợi thế trong việc thu hút đầu tư vào ngành du lịch.
Ông Thomson cho rằng không chỉ hai tỉnh Bạc Liêu và Hà Nam có rất nhiều tiềm năng và là những điểm đến đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư, mà Việt Nam nói chung là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn và có giá trị đối với các doanh nghiệp Australia. Ông khẳng định rất nhiều doanh nghiệp Australia đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hoạt động, đoàn đại biểu các địa phương đã trao đổi, làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Sydney, Hội đồng Kinh doanh Việt Nam-Australia và một số tổ chức, hiệp hội kinh tế của Australia.
Các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao chương trình làm việc của đoàn, đồng thời đề ra nhiều sáng kiến mở rộng hợp tác với Bạc Liêu và Hà Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, giáo dục-đào tạo, công nghiệp, xây dựng, năng lượng-nhiên liệu và một số lĩnh vực thế mạnh khác mà cả hai bên cùng quan tâm và ưu tiên.
Hiện Australia là một trong các nhà tài trợ lớn về hỗ trợ hợp tác phát triển (ODA) không hoàn lại cho Việt Nam. Số liệu công bố từ Đại sứ quán Australia cho thấy giai đoạn 2022-2023, Australia tăng thêm 18% vốn ODA dành cho Việt Nam, từ 78,9 triệu AUD lên 92,8 triệu AUD (tỷ giá VCB ngày 17/4: 15.988 VND/AUD). Các chương trình hỗ trợ hợp tác tập trung vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ sự phát triển và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động có tay nghề cao, tăng cường việc trao quyền kinh tế cho nữ giới (bao gồm đồng bào dân tộc thiểu số và ứng phó với đại dịch COVID-19).
Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo...
Tính đến tháng 3/2023, các nhà đầu tư Australia hiện có 593 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 2 tỷ USD. Australia đang đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay hiện các doanh nghiệp của Việt Nam đã đầu tư sang Australia 500 triệu USD và đứng thứ 11/79 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tiếp nhận đầu tư của Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy mô thương mại giữa hai nước (đến hết năm 2022) đã đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Theo đó, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tập trung vào một số mặt hàng như máy móc, thiết bị, giày dép, dệt may, thủy sản, sắt thép các loại... Ở chiều ngược lại, Australia là thị trường cung cấp nguyên nhiên vật liệu quan trọng, phục vụ sản xuất trong nước như than các loại, bông các loại, quặng và khoáng sản khác, lúa mỳ.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, theo thống kê của Bộ Giáo dục Australia, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong số các quốc gia có sinh viên du học tại quốc gia này. Tính đến tháng 12/2022, có hơn 22.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục Australia./.