Kết nối giao thương giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh có vai rất trò quan trọng, là động lực, đầu tàu trong nhiều lĩnh vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Trước sự chứng kiến của lãnh đạo các địa phương, hệ thống phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh bắt tay kết nối với các doanh nghiệp cung ứng trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ. (Ảnh: Phan Sáu /TTXVN)

Chiều 14/4, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên và Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với sự tham gia của 200 đại biểu là các nhà cung ứng, doanh nghiệp bán hàng và cơ quan quản lý nhà nước các địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh có vai rất trò quan trọng, là động lực, đầu tàu trong nhiều lĩnh vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đây là nơi tập trung các nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa có quy mô và tầm ảnh hưởng rất lớn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất cả nước, cửa ngõ kết nối giao thương quan trọng với khu vực và thế giới.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với nhiều hoạt động xúc tiến, giao thương, quảng bá, trao đổi hàng hóa trong thời gian qua đã góp phần tiêu thụ ổn định một số sản phẩm tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.

Qua đó, tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại các địa phương. Đồng thời, một số tập đoàn lớn đã nghiên cứu, mở các chi nhánh trên địa bàn các tỉnh, tạo động lực phát triển hạ tầng thương mại của địa phương theo hướng hiện đại.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động kết nối, phân phối hàng hóa của tỉnh nói riêng và các tỉnh nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Những hạn chế này đang được tỉnh khắc phục và có định hướng, giải pháp trong thời gian tới nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu, kích thích mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Khánh Hòa sẽ luôn ủng hộ, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả với kỳ vọng mang lại môi trường thương mại văn minh tiện lợi nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng.

[Bến Tre kết nối giao thương nông, thủy sản với doanh nghiệp Trung Quốc]

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trách nhiệm của cơ quan nhà nước rất lớn và cần tạo ra các sự kiện để người dân, doanh nghiệp có thể bán các sản phẩm của tỉnh cũng như kết nối nông dân để tạo nên các sản phẩm OCOP chất lượng.

Mặt khác, nhà phân phối nên gặp gỡ các nhà sản xuất để kết nối, bơm vốn đầu tư để sản xuất hàng hóa đáp ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có các chính sách, quan tâm hỗ trợ kịp thời để họ cùng phát triển sản phẩm tại địa phương.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh muốn phát triển được thì phải gắn kết với các tỉnh. Sau dịch COVID-19, năm 2022, thành phố đã có mức tăng trưởng dương rất ấn tượng và tất cả nhờ vào chủ trương luôn mở rộng giao thương, kết nối vì sự phát triển của thành phố.

Hiện nay, kinh tế hàng hóa không có giới hạn. Do đó, doanh nghiệp, người dân cần sử dụng lợi thế này để kết nối, phát triển. Đặc biệt, kết nối các thành viên với nhau, giúp đỡ để các bên cùng có lợi. Mặt khác, doanh nghiệp cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm; nhà bán hàng hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ông Võ Văn Hoan cũng đề nghị Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tập hợp các ý kiến để đưa ra các kiến nghị đến chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ với tiêu chí làm thực chất, hành động cụ thể.

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia cũng đưa ra những ý kiến xoay quanh những khó khăn, thách thức của đơn vị trong việc kết nối giao thương hàng hóa giữa các tỉnh. Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc Thương mại TikiNgon & FMCG cho rằng, sàn thương mại điện tử là sân chơi mở, không có giới hạn, thuận lợi cho việc mua – bán hàng hóa.

Tuy nhiên, vướng mắt lớn nhất là các sản phẩm không có tính nổi bật, một số sản phẩm đặc trưng tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ làm rất tốt, nhưng một số sản phẩm không cạnh tranh được với sản phẩm hiện đại. Do đó, doanh nghiệp cần có sự quan tâm đầu tư ngân sách và nhân lực để quảng bá trên sản thương mại điện tử.

Ngoài ra, sản phẩm của các tỉnh, doanh nghiệp làm ra phải là sản phẩm thị trường muốn mua, giá cả phù hợp, sản phẩm mới phải có sự đột phá và cạnh tranh.

Điều quan trọng là các tỉnh nên có sự thống nhất, cùng xây dựng trang web quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh hoặc tổ chức các chiến dịch đặc sản của tỉnh trên online cả tuần.

Đại biểu tỉnh Ninh Thuận cho rằng, hỗ trợ phát triển giao thương buôn bán, hậu cần logistics ở các tỉnh Nam Trung Bộ hiện nay là rất yếu, nhất là tuyến đường sắt chưa phải là trung tâm vận chuyển hàng hóa.

Các mặt hàng nông sản cần thời gian vận chuyển nhanh, chưa có các kho vận bảo quản thực phẩm tươi sống lâu, tươi. Một số siêu thị cần quan tâm kết nối để cùng lưu kho, chuẩn mã tem dán trên cùng một sản phẩm.

Các đại biểu khác kiến nghị liên quan đến việc kiểm tra nguồn hàng, giá cả; thông tin nhà sản xuất, nhà nước hỗ trợ làm website; mở thêm các trung tâm thương mại...

Dịp này, trước sự chứng kiến của lãnh đạo các địa phương, hệ thống phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết 28 hợp đồng và 18 biên bản ghi nhớ giao thương với các doanh nghiệp cung ứng của các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Hội nghị Kết nối giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra từ ngày 13 - 15/4./.

Phan Sáu (TTXVN/Vietnam+)