Kết nối cơ sở hạ tầng thu hút nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Để thu hút các nhà đầu tư vào khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung đầu tư vào hạ tầng kết nối, đã mở rộng đường bộ, dự kiến sẽ đầu tư đường sắt từ Hà Đông tới Xuân Mai.
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội ngày 27/10, tại Hà Nội, ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt cho rằng, hạ tầng khu Công nghệ cao Hòa Lạc còn thiếu, chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia. Do đó, cần khai thác phát triển khu vực này và cho biết có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm, đề xuất dự án tham gia.
Ông Takebe Tsutomu cũng đề xuất nên đưa trường Đại học Việt-Nhật tới khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời, nhận định nếu khu vực này phát triển tốt sẽ góp phần xây dựng hình ảnh và phát triển Thủ đô Hà Nội.
Mong muốn trường Đại học Việt Nhật không chỉ là ngôi trường dành cho sinh viên Việt Nam mà còn phát triển lên tầm cỡ cho khu vực và trên thế giới, ông Takebe Tsutomu kiến nghị Thành ủy và Chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo để phát triển những dự án tại khu công nghệ này
[Chuyển giao BQL Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội]
Về phía Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua, Chính phủ đã đồng ý chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học Công nghệ về Hà Nội. Đây là khu công nghệ lớn, gần Hà Nội và có những chính sách riêng hỗ trợ cho doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm và nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tập trung thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ trên 04 lĩnh vực, gồm: công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới; ưu tiên thu hút các dự án về nghiên cứu và phát triển (R&D), có quy mô đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và ít phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện đang được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật, bao gồm: miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời hạn đầu tư, miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 15 đến 30 năm, miễn thuế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa phục vụ dự án đầu tư…
Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin thêm, hiện thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô, đến năm 2045 tầm nhìn 2065, khu vực Hòa Lạc, Đại học Quốc gia kéo dài tới Xuân Mai là thành phố Khoa học Công nghệ, Giáo dục Đào tạo.
Để thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung đầu tư vào hạ tầng kết nối, đã mở rộng đường bộ, dự kiến sẽ đầu tư đường sắt từ Hà Đông tới Xuân Mai. Việc xây dựng trường Đại học Việt-Nhật trên địa bàn không chỉ thu hút không chỉ sinh viên Việt Nam mà còn cả sinh viên quốc tế.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada đánh giá Hà Nội là đối tác quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản và đưa ra một số đề xuất, trong đó, có dự án Thành phố thông minh, Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hiện đang có một số vướng mắc cần thành phố phối hợp giải quyết để sớm triển khai.
Ghi nhận những đóng góp của Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Takebe Tsutomu và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan để tháo gỡ và thúc đẩy những dự án trên nhanh chóng được hoàn thiện.
“Với vai trò, vị thế và tầm ảnh hưởng của mình, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt Takebe Tsutomu sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hữu nghị, thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương của Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn,” Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh./.