Kế hoạch áp thuế của ông Donald Trump có thể gặp trở ngại

Ông Trump từng tuyên bố áp thuế bổ sung 10% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng cam kết này khó thực hiện một cách tuyệt đối khi hàng chục tỷ USD hàng hóa có thể không chịu thuế do lỗ hổng thuế quan.

Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay khi ông nhậm chức vào tháng tới.

Tuy nhiên, ông khó có thể thực hiện được cam kết đó một cách tuyệt đối khi hàng chục tỷ USD hàng hóa có thể sẽ không chịu thuế nhập khẩu do những lỗ hổng thuế quan và việc báo cáo thiếu số lượng hàng hóa đến từ Trung Quốc trên thực tế.

Trong những năm gần đây, một số chuyên gia đã chỉ ra mức chênh lệch ngày càng lớn giữa số liệu thương mại của Mỹ và Trung Quốc mà họ quy cho ba yếu tố là lỗ hổng thuế quan do quy tắc “tối thiểu," các nhà nhập khẩu Mỹ báo cáo giá trị hàng nhập khẩu thấp xuống để giảm thuế và các nhà xuất khẩu Trung Quốc báo cáo giá trị xuất khẩu tăng lên để tối đa hóa mức hoàn thuế.

Sự khác biệt về số liệu tồn tại từ đầu năm 2020, khi Trung Quốc bắt đầu cho biết nước này bán nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn so với báo cáo của Mỹ về lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức chênh lệch tăng dần lên mức gần 64 tỷ USD trong 10 tháng (1-10/2024), trên đà vượt kỷ lục được thiết lập vào năm ngoái.

Theo báo cáo gần đây nhất Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung gửi tới Quốc hội Mỹ, số liệu thương mại bị bóp méo có thể cản trở các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc đưa ra các chính sách về thương mại và chuỗi cung ứng hiệu quả.

Theo nhà phân tích Adam Wolfe thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế và chiến lược đầu tư độc lập hàng đầu châu Âu Absolute Strategy Research, các nhà nhập khẩu Mỹ đã báo cáo thiếu lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 20-25% vào năm ngoái. Ông ước tính có tới 160 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã không được báo cáo vào năm ngoái.

Một yếu tố khác gây ra sự chênh lệch số liệu là quy tắc “tối thiểu”, có nghĩa là các gói hàng nhỏ có giá trị dưới 800 USD sẽ không bị Mỹ đánh thuế.

Theo ước tính của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ, người tiêu dùng và các công ty Mỹ đã nhập khẩu khoảng 48 tỷ USD hàng hóa từ các nước khác theo quy tắc này trong 9 tháng (1-9/2024).

Phần lớn trong số đó có thể đến từ Trung Quốc, với các ứng dụng mua sắm giá rẻ như Shein và Temu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ trong hai năm qua.

Số liệu của Trung Quốc cho thấy các lô hàng trị giá hơn 17 tỷ USD đến Mỹ là "các mặt hàng có giá trị thấp" trong 10 tháng (1-10/2024), cao hơn tổng giá trị của cả năm 2023. Con số này sẽ tăng lên, với cả Shein và Temu chứng kiến doanh thu và lượng khách hàng tại Mỹ cao kỷ lục trong tháng 11/2024, nhờ đợt mua sắm Black Friday.

Theo dữ liệu của Bloomberg Second Measure dựa trên các giao dịch thẻ của người tiêu dùng, doanh số bán trên nền tảng Temu ở Mỹ trong tháng 11/2024 tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Shein có doanh số bán tại Mỹ tăng 20%.

Theo báo cáo của các nhà kinh tế tại Nomura Holdings Inc., các lô hàng đáp ứng quy tắc "tối thiểu" chiếm 11% khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Các nhà kinh tế ước tính tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm 1,3 điểm phần trăm và tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ nếu việc xuất khẩu theo quy tắc này hoàn toàn bị cấm.

Một yếu tố khác góp phần gây ra sự chênh lệch về số liệu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến từ phía Trung Quốc. Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã lưu ý trong một báo cáo năm 2021 rằng các công ty Trung Quốc đã báo cáo quá mức xuất khẩu để được hoàn thuế nhiều hơn.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ tháng 3/2020 đến cuối năm 2021, hơn 90.000 công ty trong nước được hưởng gần 38 tỷ nhân dân tệ (5,2 tỷ USD) tiền hoàn thuế xuất khẩu.

Trung Quốc đã hạn chế điều đó vào tháng trước, khi hủy bỏ việc hoàn thuế đối với xuất khẩu đồng và nhôm và giảm mức hoàn thuế đối với một số sản phẩm dầu tinh chế, năng lượng Mặt Trời, pin và khoáng sản phi kim loại./.