IOM ấn tượng trước những nỗ lực của Việt Nam trong quản trị di cư

Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua, nổi bật là việc công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 vào tháng 10/2024.

Bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước những nỗ lực của Việt Nam trong quản trị di cư. (Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam)

Sáng 18/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM).

Tham dự Hội nghị có khoảng 70 đại biểu đến từ các Bộ: Công an, Quốc phòng, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cơ quan chức năng của các địa phương, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam.

Hội nghị nhằm mục đích rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và thảo luận các giải pháp để nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận GCM trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho rằng, Hội nghị diễn ra đúng vào Ngày Quốc tế Người di cư (18/12) với chủ đề: “Tôn vinh những đóng góp của người di cư và tôn trọng các quyền của họ” là một dịp có ý nghĩa để nhìn nhận rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về những đóng góp tích cực của di cư và người di cư đối với phát triển, đồng thời cùng trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, trật tự vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.

Trước thực tế các cơ hội di cư hợp pháp đang bị thu hẹp đáng kể và các thách thức đặt ra cho di cư trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng cùng với yêu cầu chuyển đổi xanh, kinh tế số, bà Phan Thị Minh Giang nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác hơn nữa nhằm giảm thiểu các kênh di cư không chính thức, phòng, chống tội phạm đưa người di cư trái phép, mua bán người do lạm dụng công nghệ, thúc đẩy các kênh di cư hợp pháp, qua đó giúp giảm bất bình đẳng toàn cầu và đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Điểm lại những kết quả nổi bật trong triển khai Thỏa thuận GCM và hướng đến Hội nghị rà soát kết quả thực hiện Thỏa thuận GCM khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2025, đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị Hội nghị tích cực rà soát, đánh giá kỹ các kết quả triển khai Thỏa thuận GCM, xác định rõ những khoảng trống và đề xuất các giải pháp tăng cường hơn nữa việc triển khai Thỏa thuận GCM cũng như năng lực quản trị di cư của Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước những nỗ lực của Việt Nam trong quản trị di cư và cho rằng cách tiếp cận năng động của Việt Nam - cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, hợp tác quốc tế và phát triển lấy con người làm trung tâm mang lại những bài học giá trị cho các quốc gia khác trên thế giới.

Bà Kendra Rinas đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua, nổi bật là việc công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 vào tháng 10/2024.

Bà Kendra Rinas mong muốn Hội nghị sẽ là một diễn đàn để xác định những khoảng trống, tăng cường quan hệ đối tác và giải quyết những vấn đề quan trọng như bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư, giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị di cư lao động, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Hội nghị gồm 3 phiên chính, tập trung vào các nội dung: Rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM trong năm 2024, trao đổi về những thách thức trong công tác quản lý di cư quốc tế thời gian qua và thảo luận những vấn đề cần ưu tiên trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận GCM.

Trong phiên 1 của Hội nghị, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có bài trình bày cập nhật về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, người nước ngoài vào Việt Nam và báo cáo rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam trong năm 2024.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng nghe chia sẻ từ đại diện một số bộ, địa phương về những kết quả nổi bật trong việc triển khai Thỏa thuận GCM trên các lĩnh vực như công tác người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký hộ tịch giai đoạn 2017-2024, những nỗ lực tăng cường sức khỏe người di cư, hoạt động của Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, công tác cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Tại phiên 2, Hội nghị trao đổi về những thách thức trong công tác quản lý di cư, nhất là tình trạng mua bán người có liên quan đến lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp thời gian qua. Các đại biểu cũng được nghe giới thiệu một số nội dung chính của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2024 và công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.

Phiên 3 của Hội nghị thảo luận về những giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận GCM trong thời gian tới. Trong phiên này, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã chia sẻ một số nội dung chính của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 và 12 khuyến nghị của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023; Tổ chức Lao động quốc tế giới thiệu về sáng kiến “0 phí” cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đại diện Tổ chức Di cư quốc tế đã giới thiệu về Rà soát khu vực giữa kỳ việc triển khai Thỏa thuận GCM./.