Indonesia đảm bảo an toàn cho người kinh doanh tiền kỹ thuật số

Bộ Thương mại Indonesia và Bappebti đã khai trương Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số (CFX) đầu tiên nhằm đảm bảo an toàn cho những người kinh doanh tài sản tiền kỹ thuật số.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tiền kỹ thuật số là một đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu giữ trên Internet, hệ thống máy tính, smartphone và các thẻ thanh toán điện tử.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa) đã dần trở thành đối tượng được giao dịch trên toàn thế giới. Các giao dịch tiền kỹ thuật số trên thế giới diễn ra hàng giờ, hàng phút với khối lượng khổng lồ nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, các nước đang tìm cách quản lý thị trường này cũng như đảm bảo an toàn cho những người kinh doanh tài sản tiền kỹ thuật số.

Indonesia ủng hộ các tài sản tiền kỹ thuật số mặc dù cảnh giác trước sự cạnh tranh của tiền kỹ thuật số với đồng rupiah, đồng tiền hợp pháp duy nhất ở quốc gia này.

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã phát hành Sách Trắng về đồng tiền kỹ thuật số của mình, trong khi một điều luật được thông qua mới đây công nhận tiền kỹ thuật số và tài sản kỹ thuật số là những cổ phiếu tài chính hợp pháp.

Siết chặt kiểm soát

Mức độ quan tâm tới các loại tài sản kỹ thuật số đã tăng mạnh tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19.

Số lượng người nắm giữ tài sản tiền kỹ thuật số tại quốc gia này đã đạt 11 triệu người vào cuối năm 2021, trong khi tổng khối lượng giao dịch tăng hơn 1.000% lên mức 859.400 tỷ rupiah (57,37 tỷ USD).

Cho tới nay, có 383 tài sản tiền kỹ thuật số và 10 đồng tiền kỹ thuật số địa phương được phép giao dịch ở Indonesia, trong khi 151 tài sản tiền kỹ thuật số và 10 đồng tiền số khác đang được Cơ quan Quản lý Giao dịch Hàng hóa Tương lai (Bappebti) xem xét.

[Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất lập pháp về đồng euro kỹ thuật số]

Vì vậy, từ ngày 1/5/2022, Indonesia bắt đầu áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các giao dịch tài sản tiền kỹ thuật số và thuế thu nhập đối với phần lãi từ các khoản đầu tư tiền kỹ thuật số ở mức 0,1% mỗi loại.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Indonesia có kế hoạch ban hành một quy định mới nhằm quản lý các sàn giao dịch tài sản tiền kỹ thuật số, yêu cầu 2/3 ban giám đốc và ủy viên là công dân Indonesia và cư trú tại quốc gia này.

Bappebti sẽ sớm ban hành quy định mới, trong đó yêu cầu các sàn giao dịch phải sử dụng bên thứ ba để lưu giữ tiền của khách hàng và cấm các sàn tái đầu tư vào các tài sản tiền kỹ thuật số được lưu giữ.

Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đầu tiên

Ngày 28/7, Bộ Thương mại Indonesia và Cơ quan Quản lý Giao dịch Hàng hóa Tương lai (Bappebti) đã khai trương Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số (CFX) đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn cho những người kinh doanh tài sản tiền kỹ thuật số.

Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan khẳng định rằng động thái này phản ánh cam kết của Chính phủ Indonesia về việc tạo sự chắc chắn cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo lập một hệ sinh thái giao dịch tài sản tiền kỹ thuật số công bằng.

Theo ông Zulkifli, sàn giao dịch mới cũng sẽ cung cấp các quy định rõ ràng để bảo vệ những người tiêu dùng và mang lại cho họ cảm giác an toàn khi tiến hành giao dịch tiền kỹ thuật số, từ đó đóng góp cho nền kinh tế và thương mại của đất nước.

Quang cảnh tại lễ khai trương sàn giao dịch. (Nguồn: ANTARA)

Trong khi đó, người đứng đầu Bappebti cho biết trong 5 năm qua, Indonesia đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc trong hoạt động giao dịch tài sản tiền kỹ thuật số.

Tính đến tháng 6/2023, số người đầu tư vào tài sản tiền kỹ thuật số ở quốc gia này đạt 17,54 triệu người, tăng trung bình 490.000 người mỗi tháng. Xu hướng này thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với việc đầu tư vào tài sản tiền kỹ thuật số.

Nhận định rằng khía cạnh quan trọng nhất đối với giao dịch tài sản tiền kỹ thuật số là bảo vệ các nhà đầu tư, ông Noordiatmoko kêu gọi các chủ thể kinh doanh tiền kỹ thuật số tuân thủ các quy định và luật pháp hiện hành bằng cách ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng./.

(Vietnam+)