Indonesia cam kết cắt giảm năng lượng than xuống 33%

Indonesia đã đưa ra tuyên bố cắt giảm tỷ trọng điện than bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro, Brazil.

Một nhà máy điện than đang hoạt động. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Indonesia ngày 21/11 thông báo kế hoạch cắt giảm tỷ trọng điện than trong cơ cấu năng lượng của nước này xuống còn 33%, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 42% vào cuối năm 2040.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã đưa ra tuyên bố này bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro, Brazil, đồng thời cho biết Indonesia đã chuẩn bị bổ sung 75 gigawatt năng lượng tái tạo và 70.000 km đường dây truyền tải mới để hiện thực hóa tầm nhìn này. Dự kiến, Indonesia sẽ cần nguồn vốn đầu tư là 235 tỷ USD.

Với dân số lớn thứ tư thế giới, Indonesia, là một trong những quốc gia xuất khẩu than nhiệt và phát thải carbon lớn nhất thế giới. Dữ liệu của Bộ Năng lượng và Khoáng sản cho thấy năng lượng tái tạo của nước này chỉ chiếm chưa đến 14% vào năm ngoái, trong khi than đá đóng góp hơn 40%. Phần còn lại của cơ cấu năng lượng đến từ dầu và khí đốt, chiếm lần lượt hơn 30% và 16%.

Cùng lúc, Indonesia cũng thúc đẩy một loạt các nỗ lực để thực hiện các cơ chế giao dịch carbon theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) giữa nước này và Nhật Bản.

Chính phủ Indonesia cho biết đã ban hành một số quy định liên quan đến giá trị kinh tế carbon, trong đó có Quy định của Tổng thống về việc thực hiện định giá carbon để đạt được mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và kiểm soát phát thải khí nhà kính, được đưa vào Kế hoạch phát triển quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Indonesia, bà Laksmi Dhewanthi cho biết quy định này cung cấp nền tảng pháp lý để thiết lập hợp tác quốc tế liên quan đến giao dịch carbon và theo đuổi nhiệm vụ của Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris về hợp tác giữa các quốc gia và Điều 6.4 về giao dịch carbon.

Thỏa thuận giữa Indonesia và Nhật Bản có hiệu lực vào ngày 28/10 và dựa trên nguyên tắc công nhận hệ thống tín dụng carbon của cả hai nước trong giao dịch carbon song phương. Thỏa thuận MRA cũng là mô hình hợp tác song phương đầu tiên trên thế giới giữa các quốc gia trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris./.