IISS: Năng lực quốc phòng châu Âu suy giảm do thiếu nhân lực

Báo cáo Viện Nghiên cứu an ninh quốc tế (IISS) chỉ ra kho vũ khí của châu Âu bị suy giảm nghiêm trọng do các quyết định chính trị sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và nhiều thập kỷ sau đó.

Binh sỹ Đức tham gia cuộc tập trận chung ở Pabrade, Litva. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu an ninh quốc tế (IISS) của Anh công bố ngày 8/11, dù đã tăng chi tiêu, song năng lực quốc phòng của châu Âu lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu do thiếu nhân lực.

IISS cho biết chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2024 tăng gần 50% so với năm 2014, song các lực lượng vũ trang châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ ở nhiều cấp độ khác nhau trong tất cả các lĩnh vực quân sự.

Báo cáo chỉ ra kho vũ khí của châu Âu bị suy giảm nghiêm trọng do các quyết định chính trị sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và nhiều thập kỷ sau đó. Kết quả là công nghiệp quốc phòng tại châu Âu cũng suy giảm.

Tuy nhiên, sản xuất trong một số lĩnh vực bao gồm pháo và phòng không lại gia tăng đáng kể từ năm 2022, khi các nhà sản xuất vũ khí nỗ lực đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Một ví dụ điển hình là công suất sản xuất đạn 155 mm hằng năm trên toàn cầu của công ty Rheinmetall (Đức) đã tăng 10 lần lên 700.000 quả đạn.

Trong những năm gần đây, các nước châu Âu cũng mua nhiều vũ khí hơn từ các nhà sản xuất trong nước, trong bối cảnh các thành viên NATO ở châu Âu sử dụng hơn một nửa chi tiêu cho các hệ thống vũ khí của khối kể từ tháng 2/2022, trong khi chi tiêu cho các hệ thống vũ khí Mỹ chỉ chiếm 34%.

IISS nhấn mạnh trong khi sản xuất vũ khí và đạn dược đang gia tăng, các nước châu Âu lại đang gặp khó khăn do thiếu binh sỹ. Các lực lượng vũ trang chủ chốt của châu Âu vẫn thiếu hụt nhân sự và không khuyến khích được để thế hệ trẻ tình nguyện tham gia quân đội.

IISS đã công bố báo cáo mới nhất tại Hội nghị Quốc phòng Praha (Séc). Hội nghị quy tụ các chính trị gia, quan chức quân đội và các chuyên gia khác nhằm thảo luận các biện pháp cải thiện tình hình quốc phòng châu Âu.

Nghiên cứu của IISS được đưa ra trong bối cảnh việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tình hình an ninh châu Âu bị đảo lộn, cũng như việc ngừng hỗ trợ Ukraine./.