IEA lạc quan về khả năng giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch

IEA dự đoán nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch của thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và giảm xuống khi số lượng ôtô điện lưu thông trên toàn thế giới sẽ tăng gấp 10 lần trong thời điểm này.

IEA tin rằng số lượng ôtô điện gia tăng đồng nghĩa với lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch của thế giới được cho là sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, khi ngày càng có nhiều xe điện chạy trên đường phố và nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, đồng thời chuyển sang hướng tiêu thụ năng lượng sạch hơn.

Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng năm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Nhận định này trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng cao sau năm 2030 và kêu gọi đầu tư mới vào lĩnh vực dầu mỏ lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Báo cáo được công bố hôm 24/10 nhận định trong bối cảnh hiện nay, dựa trên chính sách hiện tại của các chính phủ, nhu cầu dầu, khí tự nhiên và than sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: "Quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn thế giới và là không thể ngăn cản. Đây không còn là câu hỏi có hay không, mà là bao giờ?”

Theo chuyên gia này, quá trình chuyển đổi diễn ra càng nhanh càng tốt: "Các chính phủ, công ty và nhà đầu tư cần hậu thuẫn cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch hơn là cản trở quá trình này diễn ra."

[Có nên ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đạt mục tiêu khí hậu?]

Tuy nhiên, IEA cũng cho biết hiện nay rủi ro vẫn tồn tại do nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang được thiết lập ở mức quá cao để đáp ứng mục tiêu giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình dưới 1,5 độ C của Hiệp định Paris ký năm 2015.

"Điều này không chỉ làm trầm trọng thêm các tác động đối với khí hậu sau một năm ghi nhận nắng nóng kỷ lục mà còn làm suy yếu hệ thống năng lượng vốn được xây dựng cho một thế giới mát mẻ hơn với ít hiện tượng thời tiết cực đoan hơn,” cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

Đến năm 2030, IEA dự đoán số lượng ôtô điện lưu thông trên toàn thế giới sẽ tăng gấp 10 lần. Cơ quan này cũng nhắc đến các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch tại nhiều thị trường trọng điểm.

Ví dụ, IEA kỳ vọng 50% số ôtô đăng ký mới của Mỹ trong năm 2030 sẽ là xe điện, tăng từ mức chỉ 12% được dự đoán từ hai năm trước, phần lớn do tác động của Đạo luật Giảm Lạm phát của nước này.

IEA cũng coi Trung Quốc là nguồn động lực chính thúc đẩy sự thay đổi trong nhu cầu sử dụng năng lượng.

Mặc dù trong thập kỷ qua, Trung Quốc chiếm gần 2/3 mức tăng tiêu thụ dầu toàn cầu nhưng các động lực tăng trưởng kinh tế của nước này đang suy giảm.

Ngoài ra, nước này cũng đang hướng tới việc trở thành một "cường quốc năng lượng sạch,” với việc đóng góp 50% doanh số bán xe điện trong năm 2022.

IEA cho biết chìa khóa cho quá trình chuyển đổi có trật tự là mở rộng quy mô đầu tư vào tất cả các khía cạnh của hệ thống năng lượng sạch, thay vì nhiên liệu hóa thạch.

“Sự kết thúc của kỷ nguyên tăng trưởng nhiên liệu hóa thạch không có nghĩa là chấm dứt đầu tư hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng bất kỳ sự gia tăng chi tiêu nào cũng sẽ phải đối diện với câu hỏi có hợp lý hay không," báo cáo của IEA cho biết.

Một báo cáo của OPEC hồi đầu tháng này cho biết những lời kêu gọi ngừng đầu tư vào các dự án dầu mới là "sai lầm" và "có thể dẫn đến đến sự hỗn loạn về năng lượng và kinh tế"./.

Phương Nga (TTXVN/Vietnam+)