Huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội ở VN

Trong điều kiện Việt Nam ở trình độ của nước thu nhập trung bình, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng hiện chỉ bằng khoảng 3% GDP.

Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 7/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “Huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam.”

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn cho biết hội thảo được tổ chức nhằm thu thập, đóng góp những ý kiến xác đáng của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu phục vụ cho Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII sắp tới về tổng kết, đánh giá hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; kiến nghị, đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm góp phần bảo đảm nguồn lực tài chính cho tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn cho rằng hiện nay, cần đánh giá, phân tích được thực trạng việc huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong thời gian gần đây.

[Hà Nội: Nâng cao hiệu quả chi trả lương hưu, trợ cấp]

Bên cạnh đó, cần đặt vấn đề này trong thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đảm bảo tốt nhất việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về chính sách xã hội.

Cũng theo giáo sư, tiến sỹ, kinh nghiệm phát triển, huy động nguồn lực tài chính của các nước cũng là một kênh tham khảo mang nhiều giá trị cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu vấn đề này; từ đó hình thành quan điểm, giải pháp huy động tốt nhất nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Xuân Thủy, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết trên nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm chú trọng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế nước nhà để mọi người dân có cơ hội phát triển, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Qua các giai đoạn phát triển, kết quả huy động nguồn lực tài chính đã góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện các chính sách an sinh xã hội tốt hơn đối với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điển hình, trong thực hiện chính sách việc làm, thu nhập, giai đoạn 2021-2019, bình quân hằng năm giải quyết việc làm trong nước với thu nhập ổn định cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động.

Trong giai đoạn 2012-2021, hỗ trợ tạo việc làm cho gần 1,5 triệu lao động. Trong thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân khoảng 2%/năm; thu nhập bình quân hộ nghèo không ngừng tăng lên.

Về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, trong giai đoạn 2012-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho trên 1,3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trên 76 triệu lượt người được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản. Chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng mức bao phủ về đối tượng và mức độ thụ hưởng.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Xuân Thủy, bên cạnh những thành tựu trên, đến nay, việc huy động các nguồn lực tài chính cho việc thực hiện chính sách xã hội vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Trong điều kiện Việt Nam đang trong trình độ của nước thu nhập trung bình, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng bằng khoảng 3% GDP.

Tỷ lệ đầu tư hàng năm cho an sinh xã hội mới đạt mức khoảng 4% GDP, trong khi trên thế giới, mức đầu tư hằng năm cho an sinh xã hội tại các nước thu nhập cao đạt khoảng 16,4%; các nước có thu nhập trung bình cao là khoảng 8% GDP.

Những hạn chế trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội đang cản trở việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội trong phát triển bền vững đất nước.

Dự báo, khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, phức tạp, việc huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội đối mặt nhiều thách thức.

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng hội thảo cần làm rõ, đối với việc đánh giá kết quả huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội, nội dung đã thực hiện tốt, chưa tốt hoặc chưa có điều kiện giải quyết; tìm hiểu nguyên nhân.

Bên cạnh đó, cùng với đánh giá kết quả trong thực tiễn, cần phân tích làm rõ sự phát triển trong nhận thức lý luận huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội. Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú cũng cho rằng cần làm rõ cơ hội, thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong huy động nguồn lực tài chính giai đoạn tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đi sâu phân tích một số nội dung xoay quanh chủ đề hội thảo như những vấn đề lý luận cơ bản về bản chất, đặc điểm, phương thức, hình thức và vai trò của huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực trạng đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề đặt ra; thực trạng huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra.

Các đại biểu thống nhất cho rằng nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội là các nguồn lực bằng tiền hoặc bằng tài sản nhưng có thể chuyển thành tiền; được huy động, phân bổ, sử dụng cho mục tiêu thực hiện chính sách xã hội.

Việc huy động nguồn lực tài chính có rất nhiều chủ thể tham gia, trong đó có Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Việc huy động được thực hiện theo phương châm Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm; Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm. Điều này sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, đoàn thể và người dân cùng tham gia.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng trong quá trình huy động, Đảng, Nhà nước phải đóng vai trò chủ thể để thực hiện chính sách hiệu quả từ việc thu đến phân bổ ngân sách. Đặc biệt, ông cũng lưu ý, nguồn tài chính cho thực hiện chính sách xã hội phải được coi là chính sách tài chính quốc gia.

Tại hội thảo, các đại biểu được chia sẻ thông tin về một số mô hình huy động nguồn lực tài chính cho mục tiêu an sinh xã hội trên thế giới./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)