Hướng tới phát triển gia đình bền vững trong hội nhập quốc tế
Với chủ đề "Gia đình hạnh phúc- Quốc gia thịnh vượng," Ngày hội góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí của công tác gia đình với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 18/6 thông tin: Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25-29/6 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng.
Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt.
Với chủ đề "Gia đình hạnh phúc- Quốc gia thịnh vượng," Ngày hội góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí của công tác gia đình với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng là dịp để các địa phương giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác gia đình, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Truyền thống văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử. Đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, cơ sở nền tảng để phát triển xã hội.
Trong Ngày hội sẽ diễn ra nhều hoạt động ý nghĩa. Trong đó có triển lãm trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về sự quan tâm chăm lo, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn xã hội.
Trải qua nhiều thế hệ, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong các gia đình, dòng họ, khu dân cư được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị.
Những giá trị ấy vẫn luôn được trân trọng, giữ gìn như nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Do đó, trưng bày hình ảnh "Nét đẹp trong văn hóa gia đình Việt Nam" phản ánh đời sống sinh hoạt đời thường của các gia đình trên khắp vùng, miền đất nước.
Qua đó khắc họa, phản ánh tình yêu thương, hòa thuận, vui vẻ đầm ấm trong mỗi gia đình, sự hiếu thảo, ngoan hiền của con cháu với ông bà, cha mẹ, tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, nét đẹp trong việc cưới, lễ hội, văn hóa ứng xử nơi cộng đồng…
Đặc biệt trưng bày "Mẹ yêu con" góp phần đặc tả tình cảm mẹ-con, những câu chuyện về tình mẫu tử, sự gắn bó giản dị nhưng thiêng liêng của các bà, mẹ trên khắp đất nước, từ bản làng xa xôi, nơi rẻo cao mờ sương đến đồng bằng… - rất đời thường nhưng ấm áp yêu thương.
Ban tổ chức cũng thực hiện cụm trưng bày "Phụ nữ với gia đình biên cương và hải đảo" với những hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong cuộc sống của các gia đình nơi biên cương, hải đảo, nhất là vai trò "giữ lửa" của phụ nữ.
Các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội như Hải Phòng, Yên Bái, Sơn La, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu sẽ không gian trưng bày riêng để giới thiệu những nét đẹp văn hóa trong gia đình ở mỗi địa phương.
Trong đó nêu bật các nội dung về công tác gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phụ nữ và bình đẳng giới; bảo vệ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi; thành tựu phát triển kinh tế gia đình…
Bên cạnh đó là khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản vùng, miền phục vụ gia đình như nông thổ sản, đồ may mặc, thực phẩm sạch, sách, văn hóa phẩm. Trong đó có khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề của nghệ nhân làng nghề gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), dệt đũi Nam Cao (Thái Bình), đan móc (Hải Phòng), nón làng Chuông, gốm Bát Tràng, nghệ thuật họa kim sa (Hà Nội), áo dài truyền thống (Thừa Thiên-Huế)…
Trong khuôn khổ Ngày hội cũng diễn ra nhiều chương trình giao lưu, văn hóa nghệ thuật đặc sắc như gặp mặt cùng thần tượng với chủ đề "Thể thao trong Gia đình Việt"; Liên hoan nghệ thuật "Niềm vui gia đình"; giao lưu nghệ thuật dân gian truyền thống, "Mùa hè tuổi thơ", dạ hội "Vũ điệu hạnh phúc"… Các họạt động sôi nổi này sẽ góp phần làm cho không khí Ngày hội Gia đình Việt Nam thêm đặc sắc và ý nghĩa./.