Hưởng lợi từ cơ chế, chính sách đặc thù

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt 3 bài viết về những cơ hội, thách thức cũng như công tác tích cực chuẩn bị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng để sớm đưa Nghị quyết 136 vào cuộc sống.

Một góc thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (Nghị quyết 136) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Nghị quyết số 136 được kỳ vọng mở ra “cánh cửa mới," tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát huy tối đa các lợi thế, phát triển bứt phá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nghị quyết số 136 chủ động đưa thể chế “đi trước một bước," nhằm tháo gỡ những vướng mắc, rào cản, đồng thời phân cấp mạnh hơn cho địa phương; giúp Đà Nẵng có nguồn lực tốt hơn, nguồn thu khá hơn, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng, khu vực và cả nước.

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt 3 bài viết về những cơ hội, thách thức cũng như công tác tích cực chuẩn bị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng để sớm đưa Nghị quyết 136 vào cuộc sống.

Bài 1: Đà Nẵng hưởng lợi từ cơ chế, chính sách đặc thù

Nghị quyết 136 gồm 30 cơ chế, chính sách, trong đó có 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị thành phố. Ngoài ra có 21 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, Trí tuệ Nhân tạo, đổi mới sáng tạo… Qua đó, nền kinh tế thành phố được kỳ vọng sẽ có những hướng đi mới, đón đầu xu hướng thế giới; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại thời gian qua để trở thành trung tâm kinh tế của khu vực, của cả nước và thế giới.

Tạo đà phát triển vi mạch bán dẫn

Là một người yêu thích tin học, đam mê máy tính từ nhỏ, nhưng Hồ Minh Phi, sinh viên năm 3, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng) đã bất ngờ chuyển hướng từ ngành công nghệ thông tin sang học ngành vi mạch bán dẫn. Cuối tháng 10 vừa qua, Hồ Minh Phi là một trong 15 sinh viên đầu tiên của trường được trao Chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Sinh viên Hồ Minh Phi chia sẻ bản thân cảm thấy thiết kế vi mạch bán dẫn là một ngành học rất hấp dẫn và có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai. Ngoài ra, những chính sách trong Nghị quyết 136 về thu hút đầu tư, phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng vừa qua đã mở ra cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp mới cho giới trẻ.

Tuy nhiên, Hồ Minh Phi cũng cho rằng khó khăn nhất là kiến thức nền tảng đòi hỏi rất sâu, bao gồm cả lý thuyết về vật lý bán dẫn, thiết kế và kiểm thử các mạch số phức tạp. Ngoài ra, học viên phải làm quen với các công cụ mô phỏng và ngôn ngữ (như Verilog, VHDL…) đòi hỏi thời gian để nắm vững và hiểu cách tối ưu hóa cho các thiết kế vi mạch. Trong thời gian tới, Hồ Minh Phi dự định tiếp tục học các khóa chuyên sâu hơn và học việc tại các công ty, tập đoàn lớn để có thể thực hiện ước mơ làm một chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Giới thiệu bo vi mạch bán dẫn tại Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Không chỉ Hồ Minh Phi, trong năm 2024 đã có hàng trăm sinh viên quyết định theo học ngành vi mạch bán dẫn. Ông Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng) cho hay, năm 2024, trường đã tiên phong hoàn thành thủ tục và công bố tuyển sinh Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600 đến 1.000 kỹ sư (đến năm 2028). Đồng thời, trường đã điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành có liên quan, đào tạo chuyển đổi các sinh viên (từ năm 1 đến năm 3) sang ngành vi mạch bán dẫn để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách nguồn nhân lực lĩnh vực này.

Từ tháng 1/2024, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã công bố quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và Trí tuệ Nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) để phối hợp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử; trong đó, chỉ có 6 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, với khoảng 550 kỹ sư, số lượng này còn khá khiêm tốn. Vì vậy để tạo đà phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn theo Nghị quyết 136, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chủ động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp lớn, khẩn trương chuẩn bị cơ sở hạ tầng...

Nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi

Không chỉ tập trung các lĩnh vực mới như vi mạch bán dẫn, Trí tuệ Nhân tạo, đổi mới sáng tạo… Nghị quyết 136 còn mang lại “luồng gió mới," được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế từ lâu đã được xem là thế mạnh của thành phố.

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, bên cạnh các lĩnh vực mới, Nghị quyết 136 cũng sẽ góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng cho ngành du lịch Đà Nẵng. Việc Đà Nẵng mở rộng thêm các lĩnh vực kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư mới sẽ giúp thành phố có thêm lực lượng lao động lớn, giúp phát triển mọi mặt về thương mại, dịch vụ, du lịch.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh cũng kỳ vọng thành phố sẽ phát triển dịch vụ Outlet, tập trung nhiều nhãn hiệu hàng đầu thế giới về thời trang, ẩm thực, trở thành điểm đến lý tưởng cho các thị trường khách yêu thích mua sắm như Hàn Quốc, Trung Quốc, khách nội địa… Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mới của Đà Nẵng so với các thành phố du lịch khác, bên cạnh những thế mạnh vốn có về địa lý, văn hóa, con người và di sản. Nghị quyết 136 sẽ giúp thành phố Đà Nẵng thực sự trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội, kết nối lịch sử với hiện tại và tương lai.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng ký biên bản thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Văn Dũng-TTXVN)

Còn theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, mọi lĩnh vực của ngành công thương đều sẽ được hưởng lợi từ Nghị quyết 136. Cụ thể, Nghị quyết 136 đã cho phép thành phố thực hiện các dự án PPP (đối tác công tư) thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ. Chính sách sẽ tạo điều kiện để thành phố thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng các công trình chợ trên địa bàn thành phố; phát triển hoạt động thương mại bán lẻ gắn với du lịch, đồng thời đảm bảo các yếu tố về an sinh xã hội dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 136 cũng cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được thành phố giao quản lý và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách. Điều này sẽ góp phần giải quyết bức xúc về nhu cầu mặt bằng để sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ; giảm thiểu tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư...

Ngoài ra, Nghị quyết 136 còn có chính sách cho phép thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với việc xây dựng các hạng mục, công trình hình thành trung tâm logistics. Điểm nổi bật nhất của Nghị quyết 136 là cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, hiện thành phố đang quyết liệt nghiên cứu kế hoạch thực hiện. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc phát triển Khu thương mại tự do là cách thức hiệu quả để rút ngắn thời gian và chi phí cho thành phố Đà Nẵng thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới…./.

Bài 2: Đi tiên phong xây dựng khu thương mại tự do

Bài 3: Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống