Hướng đến chuyên nghiệp hóa hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện

Trong số hơn 9.300 nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện trên cả nước, chỉ có khoảng 10,25% được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xã hội, số còn lại là những người kiêm nhiệm.

Việc chuyên nghiệp hóa nhân lực công tác xã hội trong bệnh viện là vô cùng cần thiết. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

“Trong số hơn 9.000 nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện trên cả nước, chỉ có khoảng 10,25% được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ công tác xã hội. Việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để chuyên nghiệp hóa đội ngũ này trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết.”

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 9 năm thực hiện Thông tư 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về nhiệm vụ, hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện và góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi khu vực phía Nam do Bộ Y tế tổ chức ngày 28/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ-bác sỹ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, kể từ khi ban hành vào ngày 26/11/2015, Thông tư số 43/2015/TT-BYT đã đặt nền móng cho việc thiết lập và phát triển ngành Công tác xã hội trong các bệnh viện.

Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng hệ thống y tế lấy người bệnh làm trung tâm, hỗ trợ người bệnh và gia đình người bệnh vượt qua khó khăn, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện.

Ngay sau khi Thông tư 43/2015/TT-BYT được ban hành, toàn bộ các bệnh viện trung ương và đa số các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố đã thành lập Phòng Công tác xã hội hoặc Tổ Công tác xã hội, từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác này. Đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay được triển khai hiệu quả.

Đến nay, đội ngũ nhân viên công tác xã hội đã hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề cho hơn 1 tỷ lượt người bệnh và thân nhân trong quá trình khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có chuẩn năng lực cho nhân viên công tác xã hội làm việc trong cơ sở khám, chữa bệnh; thiếu nguồn nhân lực công tác xã hội có chuyên môn phù hợp.

Bên cạnh đó, các bệnh viện vẫn còn thiếu nguồn kính phí và các điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức hoạt động công tác xã hội. Việc huy động nguồn lực và kinh phí để triển khai các hoạt động công tác xã hội còn gặp khó khăn. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo bệnh viện vẫn chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo hoạt động công tác xã hội.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) nhìn nhận bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, vẫn còn nhiều đơn vị chưa tổ chức hoạt động hiệu quả công tác xã hội, các hoạt động mang tính tự phát, chưa đồng bộ, chưa được tổ chức bài bản chuyên nghiệp...

Đặc biệt, trong số hơn 9.300 nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện trên cả nước, chỉ có khoảng 10,25% được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xã hội. Số còn lại là những người có trình độ chuyên môn khác như bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, kế toán, kỹ sư… kiêm nhiệm.

Điều này khiến cho hoạt động công tác xã hội của bệnh viện chưa được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Việc chuyên nghiệp hóa lực lượng này là vô cùng cần thiết.

Trong khi đó, Nghị định 110/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định, kể từ năm 2027, người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.

Là một đơn vị tổ chức, phát triển hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện từ rất sớm và chuyên nghiệp, đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ người bệnh, thân nhân người bệnh.

Tuy nhiên, Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, hiện vẫn chưa có phụ cấp ưu đãi nghề cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội, mức thu nhập của nhân viên còn nhiều hạn chế.

Trong dự thảo Thông tư mới hướng dẫn về nghề công tác xã hội trong bệnh viện, Bộ Y tế đề xuất, bên cạnh những nhiệm vụ đã thực hiện trước đó theo quy định tại Thông tư 43/2015/TT-BYT, đội ngũ làm công tác xã hội bệnh viện cần đảm nhiệm thêm các nhiệm vụ tham vấn, trị liệu tâm lý xã hội; quản lý trường hợp người bệnh nội trú mắc bệnh hiểm nghèo; phối hợp liên ngành giải quyết vấn đề tâm lý xã hội phức tạp; kết nối, chuyển gửi các trường hợp vượt quá năng lực chuyên môn...

Về nhân lực làm công tác xã hội, Bộ Y tế đề xuất các bệnh viện thực hiện theo Đề án vị trí việc làm của cơ sở khám, chữa bệnh. Chuyên ngành đào tạo của người làm công tác xã hội trong các bệnh viện bao gồm công tác xã hội cùng các chuyên ngành phù hợp khác được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội và kiến thức cơ bản về y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến khích cơ sở khám, chữa bệnh bố trí nhân lực triển khai dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu cho người bệnh, đặc biệt các cơ sở khám, chữa bệnh có chăm sóc, điều trị người bệnh thuộc nhóm bệnh hiểm nghèo.../.