Họp tổ công tác về đất đai, bất động sản trong các bản án kết luận thanh tra
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án phải “nhanh hơn, quyết liệt hơn và trách nhiệm hơn.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án phải “nhanh hơn, quyết liệt hơn và trách nhiệm hơn”; góp phần khơi thông các nguồn lực, đưa các tài sản vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, văn bản có liên quan thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, diễn ra chiều 26/12, tại Trụ sở Chính phủ.
Dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; lãnh đạo: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An).
Chủ động rà soát lại các dự án
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết Nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện các nhóm chính sách xử lý về: thời hạn sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh có thời hạn 50 năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án có sử dụng đất, xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Mỗi nhóm chính sách gắn với phương án, giải pháp xử lý đối với dự án, nhóm dự án cụ thể.
Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết việc thực hiện các chính sách trong nghị quyết của Quốc hội.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai quy trình xây dựng dự thảo nghị định theo trình tự thủ tục," Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo những vấn đề đặt ra khi xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về xác định giá đất đối với một số dự án ký tắt khi thực hiện theo hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) của Thành phố Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo tỉnh Long An, Khánh Hòa, Đà Nẵng đã báo cáo về tình hình xử lý vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền của địa phương như: Điều chỉnh quy hoạch; chủ trương đầu tư; lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giao đất, cho thuê đất... theo tinh thần “dễ làm trước, khó giải quyết sau."
Về các vấn đề này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý các địa phương không cần chờ nghị quyết của Quốc hội hay nghị định, mà chủ động rà soát lại các dự án, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trao đổi về những “nút thắt” mà địa phương đang cần bộ, ngành, cơ quan Trung ương hỗ trợ để xử lý dứt điểm.
Tổ chức thực hiện chi tiết, rõ ràng
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã triển khai Kế hoạch của Chính phủ thực hiện đề án, phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ soạn thảo nghị định có sự tham gia của bộ, ngành, địa phương liên quan, bảo đảm khi nghị định được ban hành phải xử lý được vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Những nội dung trong nghị quyết của Quốc hội phải được thể chế thành quy trình, quy phạm, tổ chức thực hiện chi tiết, rõ ràng, không có văn bản hướng dẫn dưới nghị định.
"Quá trình thực hiện nghị định của Chính phủ cần có sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, tố tụng, ủy ban kiểm tra, tỉnh ủy, thành ủy," Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi về kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, các địa phương có thể yêu cầu các bộ, ngành hướng dẫn, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước cần tiếp tục rà soát, phân loại, báo cáo cấp có thẩm quyền các dự án, đất đai có tình trạng tương tự như các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã được tháo gỡ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ… để đề xuất giải pháp xử lý tiếp theo./.