Hợp tác thương mại Việt Nam-Thuỵ Điển không ngừng phát triển trong 55 năm qua
Gạo Việt Nam trước đây gần như vắng bóng tại Thụy Điển do không cạnh tranh được với gạo của Campuchia và Thái Lan, thì nay kim ngạch đã tăng lên hơn 3 triệu USD và đang tiếp tục tăng thị phần.
Trong nhiều năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Thuỵ Điển không ngừng phát triển ổn định.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế Thuỵ Điển cho thấy tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022 đạt trung bình 9%/năm và đây là một con số khá ấn tượng.
Riêng trong năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển đạt 1,264 tỷ USD, tăng 5,4% và nhập khẩu đạt 353 triệu USD, tăng 9,9%. Tổng kim ngạch đạt 1,617 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2021.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Điển hiện nay là điện thoại các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giầy dép, sản phẩm từ sắt thép, phụ tùng...
Mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Thụy Điển là thiết bị viễn thông, máy móc thiết bị các loại và dược phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho biết Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đang xây dựng kế hoạch tổ chức hàng loạt các sự kiện bên lề các chuyến thăm cấp cao mà thủ tướng hai nước đã nhất trí trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển, các hoạt động gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng, tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thụy Điển, cũng như tổ chức các đoàn doanh nghiệp Thụy Điển sang Việt Nam tham dự các hội chợ lớn như Hội chợ Nguồn hàng (Sourcing Fair) vào tháng 6/2024 và Hội chợ Quốc tế Thực phẩm (FoodExpo), nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Theo bà Hoàng Thúy, năm 2023 là năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới do tác động kéo dài của nhiều biến động lớn, như xung đột Nga-Ukraine, chính sách zero-COVID của Trung Quốc và phản ứng chính sách của các nước nhằm đối phó với lạm phát. Tổng cầu yếu, chi phí gia tăng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp.
Với bức tranh kinh tế tổng thể như vậy, người tiêu dùng ngày càng bi quan, hạn chế mua sắm và chi tiêu không cần thiết, dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng và giảm nhập khẩu.
Xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm sâu của nhiều mặt hàng chủ lực. Xuất khẩu sang Thuỵ Điển cũng giảm mạnh trong năm 2023.
Tuy nhiên, theo Tham tán Thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy, nếu so với các nước châu Á khác, Việt Nam vẫn đứng thứ hai về xuất khẩu sang Thuỵ Điển, chỉ sau Trung Quốc.
Với việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết vào ngày 30/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cơ hội thương mại mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU, trong đó có Thuỵ Điển, là rất lớn.
Tuy nhiên, Tham tán thương mại Hoàng Thúy cho rằng rất khó để đánh giá hiệu quả của EVFTA sau hơn 3 năm thực thi khi hiệp định đi vào thực hiện đúng trong giai đoạn bất ổn của kinh tế thế giới do đại dịch COVID-19, rồi đến xung đột Nga-Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung cầu, khủng hoảng năng lượng, lương thực, lạm phát cao, người dân cắt giảm chi tiêu.
Dù vậy, phải khẳng định rằng EVFTA chắc chắn giúp giảm nhẹ các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và dần sẽ phát huy hiệu quả.
Hiệu quả có thể nhận thấy rõ ràng nhất, đó là ưu đãi về thuế giúp nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ tại thị trường.
Ví dụ, mặt hàng gạo, trước đây gần như vắng bóng tại Thụy Điển, kim ngạch chỉ vài chục nghìn đến hơn 100.000 USD do không cạnh tranh được giá với gạo của Campuchia và Thái Lan, thì đến nay kim ngạch đã tăng lên hơn 3 triệu USD và đang từng bước tăng thị phần tại khu vực này.
Tương tự một số mặt hàng nông, thủy sản thuế về 0% ngay năm đầu tiên cũng cho thấy lợi thế cạnh tranh rõ rệt.
Đối với một số mặt hàng chế biến, chế tạo, EVFTA không những mang lại lợi ích về thuế mà còn giúp các doanh nghiệp Thụy Điển hào hứng với thị trường Việt Nam hơn, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp này có nhu cầu lớn về tìm kiếm thị trường mới để chuyển dịch đầu tư và kinh doanh.
Nhiều đoàn doanh nghiệp Bắc Âu đã sang Việt Nam để khảo sát như tập đoàn Autoliv, chuyên sản xuất sản phẩm an toàn dùng trong ôtô, với 72 nhà máy tại nhiều quốc gia trên thế giới và doanh thu bán hàng 8,2 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, thị trường Thuỵ Điển cũng có nhiều thách thức vì dân số ít, chỉ hơn 10 triệu người, thị trường nhỏ, lại có yêu cầu cao đối với hàng hóa tiêu dùng trong nước, nên các doanh nghiệp nước này chủ yếu nhập khẩu từ các đại lý phân phối tại trung tâm EU.
Thị trường nhỏ, khoảng cách địa lý lớn trong khi chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam, cũng như chưa có các hợp tác về cảng biển và cảng hàng không, cũng gây khó khăn cho việc đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào thị trường Thụy Điển.
Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU nói chung và Thụy Điển nói riêng, nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan trước hết phải tuân thủ các quy định về xuất xứ từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu.
Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên đây sẽ là một khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ các quy định khắt khe khác, như vấn đề môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Vượt qua được các khó khăn này, hàng hóa của Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Thụy Điển nói riêng và thị trường EU nói chung.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh các doanh nghiệp cần lưu ý về xu hướng tiêu dùng mới của Thụy Điển để điều chỉnh sản xuất.
Người tiêu dùng Thụy Điển rất quan tâm đến vấn đề môi trường nên chú ý đến các sản phẩm được sản xuất qua các quy trình đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, các sản phẩm bền vững.
Đối với thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ. Dự báo đến năm 2030, tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tại Thụy Điển sẽ tăng gấp 3 lần hiện tại.
Đối với các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, khách hàng có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế... Nói chung, tiêu dùng sản phẩm xanh-sạch là xu hướng chủ đạo.
Người tiêu dùng ngày càng để ý đến nhãn mác, các chứng nhận được in trên đó, hơn là chính bản thân sản phẩm và họ sẵn sàng trả cao hơn 20-50% cho các sản phẩm có chứng nhận bảo vệ môi trường hay trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững..../.