Hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và Nhật Bản phát triển vượt bậc

Phòng chống thiên tai, Bảo tồn di sản, Giao thông, Văn hóa, Giáo dục, Y tế là những lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và Nhật Bản trong những năm gần đây.

Khánh thành dự án Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện do Nhật Bản tài trợ. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Trong những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế với Nhật Bản tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như phòng chống thiên tai; bảo tồn các di sản; giao thông; cấp nước; giáo dục, y tế.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản, như tỉnh Nara, phủ Kyoto, tỉnh Gifu, Thành phố Yokohama...

Nhật Bản không chỉ là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam mà còn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Thừa Thiên-Huế. Nhiều dự án hoạt động khá hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đóng góp ngân sách ổn định hằng năm cho tỉnh như Dự án Hầm đường bộ Hải Vân dài nhất Đông Nam Á; dự án ODA xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế; Chương trình trùng tu Di tích Cố đô Huế; Các dự án phòng chống thiên tai...

Đặc biệt dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế do JICA tài trợ cho thành phố Huế bằng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản với tổng mức đầu tư 24 tỷ yen (tương đương 3.169 tỷ đồng) đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hơn 400.000 người dân trong thành phố và các vùng lân cận; giúp giảm ngập lụt trong mùa lũ, bảo vệ các di sản; đồng thời cải thiện sông ngòi, nâng cao hệ thống cấp thoát nước tại thành phố Huế.

[Củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản]

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thu hút 117 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.347 triệu USD; trong đó có 16 dự án đến từ doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đăng ký hơn 220,304 triệu USD.

Đặc biệt, dự án Trung tâm Thương mại AEONMALL Huế của Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEONMALL Việt Nam với tổng vốn đầu tư 169,67 triệu USD đang xây dựng là một điểm nhấn về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa vật thể, phi vật thể Huế tiếp tục được triển khai hiệu quả. Trong suốt 25 năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Thừa Thiên-Huế trong việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm của Kinh thành Huế thông qua các tổ chức.

Quảng trường Ngọ Môn. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, thông qua Quỹ ủy thác của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 100.000 USD trùng tu Công trình Ngọ Môn. Đây là tài trợ rất có ý nghĩa với Cố đô Huế.

Tiếp đó, rất nhiều các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã được mở ra khá toàn diện trong lĩnh vực trùng tu bảo tồn di sản, đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Trong các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, nhiều hoạt động văn hóa phong phú và thiết thực đã được hai bên phối hợp tổ chức thành công, huy động được sự tham gia của nhiều địa phương, đoàn nghệ thuật của Nhật Bản đến biểu diễn và các đối tác đến từ Nhật Bản.

Hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản cũng đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thúc đẩy trao đổi khách du lịch hai nước. Trên nền tảng đó, thị trường khách du lịch Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế. Số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thừa Thiên-Huế có sự tăng trưởng ổn định và thường xuyên qua từng năm, xếp trong Top du khách quốc tế đến Huế.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đại học Huế đã phối hợp ký kết với nhiều trường đại học của Nhật Bản, như Đại học Yamnashi, Đại học Shimane, Đại học của thành phố Fukuroi nhằm trao đổi sinh viên, học sinh, tăng cường mối quan hệ với các trường học có học sinh học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh; hợp tác nghiên cứu và đào tạo, phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi thông tin, tư liệu.

Về lĩnh vực y tế, từ nguồn vốn ODA, Nhật Bản đã hỗ trợ tỉnh các dự án xây dựng Bệnh viện Quốc tế với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD; xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn 30 triệu USD...

Bệnh viện Trung ương Huế cũng như Trường Đại học Y Dược Huế đã có nhiều hoạt động giao lưu, tham quan, học hỏi, trao đổi học thuật trên lĩnh vực y học với các trường đại học của Nhật Bản, như Đại học Metropolitan, Đại học Y khoa Nara, Đại học Y khoa Kyoto, Đại học Cheju Halla...

Bên cạnh đó, một số công ty của Nhật Bản cũng đã đến tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác trên lĩnh vực y tế, như Công ty Cổ phần Global Network Japan và Công ty sản xuất thực phẩn chức năng Fukoidan Okinawa hợp tác nghiên cứu sản xuất thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng dựa vào nguồn nguyên liệu thảo mộc tại địa phương; Tập đoàn IGL tìm kiếm cơ hội đầu tư trung tâm an dưỡng và chăm sóc y tế cho người cao tuổi.

Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lao động lớn của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo số liệu thống kê năm 2021, toàn tỉnh có 492 công dân đi làm việc nước ngoài, trong đó có có 406 lao động làm việc tại Nhật Bản.

Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 831 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng, trong đó thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản tiếp tục chiếm số đông với 692 người đăng ký đi làm việc, tập trung vào các ngành nghề: hộ lý, xây dựng, cơ khí, may mặc.

Điệu nhảy Yosakoi truyền thống của Nhật Bản tại Lễ hội Đường phố Festival Huế. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Phát biểu tại chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản tối 9/9 tại thành phố Huế, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết thời gian qua, Thừa Thiên-Huế luôn có mối quan hệ hết sức thân thiết và hiệu quả với các đối tác Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á.

“Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc son mới trong quan hệ Việt Nam và Nhật Bản nói chung và tỉnh Thừa Thiên-Huế với các đối tác Nhật Bản nói riêng. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của hai nhà nước, sự chung sức đồng lòng của nhân dân hai nước, mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc sẽ tiếp tục phát triển và đơm hoa kết trái,” Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh./.

(Vietnam+)