Hợp tác đầu tư hạ tầng giao thông giữa 4 tỉnh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam
Tỉnh Vân Nam và các tỉnh biên giới phía Việt Nam đã tích cực hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông khu vực biên giới, đẩy nhanh quy hoạch, xây dựng và đấu nối giao thông đường bộ.
Chiều 10/7, tại thành phố Lào Cai đã diễn ra Hội nghị giao lưu, hợp tác lĩnh vực giao thông vận tải giữa 4 tỉnh của Việt Nam là Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được; tăng cường hỗ trợ nhau cùng phát triển, đặc biệt là thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hệ thống đường cao tốc và các công trình kết nối đường bộ, đường sắt và đường thủy qua biên giới hai nước.
Xây dựng và đấu nối giao thông đường bộ; tích cực tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan Trung ương phê duyệt triển khai các công trình giao thông qua biên giới như: Công trình giao thông qua biên giới cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam)-Thiên Bảo (Trung Quốc), cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam)-Bá Sái (Trung Quốc), Cầu đa chức năng tại khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam)-Kim Thủy Hà (Trung Quốc).
Hai bên tích cực phối hợp thúc đẩy việc triển khai lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và trao đổi, thống nhất phương án xây dựng đoạn đường sắt kết nối từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết, để cụ thể hóa chủ trương tiếp tục đẩy mạnh mở cửa cửa khẩu/lối mở biên giới, ngành giao thông vận tải tỉnh Lào Cai đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vân Nam cùng phối hợp với chính quyền các huyện, địa phương hai Bên thực hiện công tác chuẩn bị, đánh giá sự cần thiết để báo cáo cấp thẩm quyền về việc xây dựng cầu qua suối biên giới Bát Xát-Kim Bình và xây dựng cầu qua biên giới Si Ma Cai-Mã Qua; nghiên cứu hợp tác mở tuyến giao thông đường thủy tuyến sông Hồng đoạn Lũng Pô đến thành phố Lào Cai có chiều dài 59km, rộng khoảng 35m, sâu khoảng 2,5m có thể tổ chức liên vận hàng hóa giao thương dọc tuyến với Trung Quốc
Năm 2023, hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã cùng tuyên bố về định vị mới của quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc, trên cơ sở tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, cùng chung tay xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Theo đó, giao lưu, hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã được khôi phục hoàn toàn và phát triển nhanh chóng, đạt được thành quả tích cực. Tại Phiên họp lần thứ 10 nhóm công tác liên hợp, các bên đã nhất trí nghiên cứu thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác về giao thông vận tải giữa các tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực của các bên triển khai hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, cầu cống…
Thời gian qua, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh biên giới phía Việt Nam đã tích cực hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông khu vực biên giới, đẩy nhanh quy hoạch, xây dựng và đấu nối giao thông đường bộ.
Các địa phương hai nước đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan Trung ương phê duyệt triển khai các công trình giao thông qua biên giới như: Thanh Thủy-Thiên Bảo, Bát Xát-Bá Sái, Ma Lù Thàng-Kim Thủy Hà.
Các địa phương hai nước đã tích cực phối hợp thúc đẩy việc triển khai lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và trao đổi, thống nhất phương án xây dựng đoạn đường sắt kết nối từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); khai thông mới các tuyến vận tải hành khách quốc tế.
Các địa phương cũng tích cực phối hợp hoàn thiện thủ tục nội bộ và thủ tục song phương để sớm công bố nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở lối mở biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại giữa các bên như Mường Khương-Kiều Đầu, Bản Vược-Ba Sái, U Ma Tu Khoảng-Bình Hà, A Pa Chải-Long Phú.
Hai bên cũng đã duy trì tốt cơ chế trao đổi định kỳ, phối hợp cấp và kiểm tra giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt-Trung; cung cấp dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới cho các phương tiện của hai bên tham gia vận tải qua các cặp cửa khẩu giữa các địa phương.
Tỉnh Hà Giang và tỉnh Vân Nam đã phối hợp tổ chức Lễ thông xe 2 tuyến vận tải mới tại cửa khẩu Xín Mần-Đô Long gồm Tuyến vận tải Hà Giang-cửa khẩu Thanh Thủy (Việt Nam)-cửa khẩu Thiên Bảo (Trung quốc)-Văn Sơn và Tuyến vận tải Hà Giang-cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam)-cửa khẩu Đô Long (Trung quốc)-Văn Sơn.
Tỉnh Lai Châu và tỉnh Vân Nam đã phối hợp tổ chức khai thông Tuyến vận tải hành khách quốc tế định kỳ thành phố Lai Châu (Việt Nam-cửa khẩu Ma Lù Thàng-cửa khẩu Kim Thủy Hà-huyện Kim Bình (Trung Quốc).
Tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam đã tổ chức kết nối lại hoạt động vận tải hành khách không định kỳ tuyến Cá Cựu (Vân Nam) qua cặp cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) và cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) đến Sa Pa và ngược lại.
Tích cực thúc đẩy việc kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải hai bên, cùng hợp tác và nỗ lực đưa tuyến vận tải hành khách Côn Minh-cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc)-cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam)-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đi vào khai thác hiệu quả.
Trong sáng 10/7, Đoàn đại biểu Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) do ông Dương Trạch Long, Phó Giám đốc sở làm Trưởng đoàn đã khảo sát thực địa một số dự án kết nối hạ tầng qua biên giới tại Lào Cai./.