Hợp tác đa phương chống khủng bố để xây dựng tương lai hòa bình
Theo LHQ, không có quốc gia nào có thể tự ứng phó với khủng bố, do đó, các nước cần củng cố các cơ chế hợp tác ở cấp độ khu vực và quốc tế, đảm bảo các biện pháp can thiệp đồng đều, dựa trên thực tế.
"Tại sao điều này lại xảy ra? Tại sao tất cả những con người này lại mất đi sinh mạng của mình? Ngay cả những người sống sót, cuối cùng cũng phải dành phần đời còn lại sống chung với sang chấn tâm lý."
Đó là những câu hỏi đã đeo đẳng Fatin Ishaya suốt 20 năm kể từ ngày cô nhân viên làm việc cho văn phòng hỗ trợ Liên hợp quốc tại Baghdad (Iraq) phải tận mắt chứng kiến vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào khách sạn Canal, nơi có tòa nhà trụ sở Liên hợp quốc khiến 22 nhân viên cơ quan này thiệt mạng.
Dù 20 năm đã trôi qua nhưng với nhiều nhân viên của Liên hợp quốc, ký ức về vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử cơ quan này vẫn chưa bao giờ phôi phai, như những vết thương sâu và không bao giờ có thể chữa lành.
Đây cũng là tình cảnh chung của hàng triệu nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới.
Trong thập niên qua, trung bình mỗi năm lại có 21.000 người thiệt mạng trong những vụ khủng bố vô nghĩa, họ chủ yếu là những dân thường vô tội.
Dù bảo toàn mạng sống nhưng với những người sống sót, nỗi đau dai dẳng về thể chất, tinh thần và kinh tế gây ra những gánh nặng chồng chất.
Đến nay, hầu như không còn vùng lãnh thổ nào trên thế giới chưa từng trải qua ít nhất một vụ khủng bố. Hơn bao giờ hết, đây là lúc thế giới cần đoàn kết và tìm giải pháp cho vấn đề này, để cùng hành động giúp cuộc sống của hàng triệu người dân trên thế giới chịu đựng những hậu quả của khủng bố trở nên dễ dàng hơn.
Hướng tới những mục tiêu này, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Tưởng niệm Các Nạn nhân của Chủ nghĩa khủng bố 21/8/2023 là "Di sản: Tìm kiếm hy vọng và xây dựng một tương lai hòa bình."
Trên thực tế, chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa bị đẩy lùi mà chỉ biến tướng và thay đổi cách thức hành động, khiến mục tiêu xây dựng một tương lai hòa bình càng trở nên khó khăn hơn.
Theo Báo cáo chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), năm 2022, số vụ tấn công khủng bố trên thế giới giảm nhưng gây thương vong nhiều hơn, với mức độ sát thương tăng 26%.
Năm 2022, trung bình số người thiệt mạng trong một vụ khủng bố là 1,7 người, tăng so với mức 1,3 của năm 2021 và đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này tăng trong 5 năm qua.
Các nước châu Phi nghèo khó và bất ổn chiếm đa số trong nhóm 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chủ nghĩa khủng bố trong năm 2022 như Iraq, Somalia, Burkina Faso, Syria, Nigeria, Mali, Niger...
Khu vực Sahel là nơi chịu tác động nặng nề nhất, với 43% số ca tử vong vì khủng bố toàn cầu là ở khu vực này, cao hơn 7% so với năm 2021.
Chủ nghĩa khủng bố dần vắng bóng ở các nước phương Tây nhưng hiện hữu nhiều hơn ở các khu vực khác, đặc biệt là ở những quốc gia có hệ sinh thái nghèo nàn và dễ chịu các cú sốc khí hậu.
Xung đột bạo lực vẫn là động cơ chính làm gia tăng khủng bố, với hơn 88% số vụ tấn công và 98% số ca tử vong vì khủng bố trong năm 2022 là ở các nước có xung đột.
Cả 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm 2022 đều là những nước có xung đột vũ trang. Tỷ lệ tử vong trong các vụ khủng bố ở những nước có xung đột cũng cao hơn 7 lần so với tỷ lệ tương ứng ở các nước yên bình.
Trong một xã hội toàn cầu hóa như hiện nay, không có quốc gia nào miễn nhiễm với chủ nghĩa khủng bố.
Tháng Sáu vừa qua, một nhóm đối tượng đã gây ra vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân tại tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam, làm 9 người thiệt mạng , 2 người bị thương.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, vụ án xảy ra do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo tấn công khủng bố.
Tại Hội nghị những người đứng đầu các cơ quan chống khủng bố của Liên hợp quốc ngày 20/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh Nội địa của Bộ Công an đã nêu rõ 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam.
Theo Liên hợp quốc, không có quốc gia nào có thể tự ứng phó với khủng bố. Do các tổ chức khủng bố thường khai thác những điểm yếu trong năng lực phòng chống của mỗi quốc gia và có sự liên kết giữa các tổ chức khủng bố khác nhau ở cùng khu vực nên hợp tác đa phương vẫn là yếu tố cần thiết để ứng phó hiệu quả với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố.
[Việt Nam lên án khủng bố dưới bất cứ hình thức nào]
Liên hợp quốc khuyến nghị các nước cần củng cố các cơ chế hợp tác ở cấp độ khu vực và quốc tế, luôn theo sát và chia sẻ thông tin về diễn biến tình hình khủng bố tại quốc gia và khu vực để đảm bảo các biện pháp can thiệp đồng đều và dựa trên thực tế.
Những kẻ khủng bố và các đối tượng bị tiêm nhiễm tư tưởng khủng bố là hiện thân của mối đe dọa xuyên biên giới, cần sự phối hợp giữa các nước và các tổ chức để phát hiện và ngăn chặn.
Ở cấp độ quốc gia, mỗi nước cần xây dựng năng lực của các cơ quan chính phủ, các tổ chức ứng phó với khủng bố, ngăn chặn sớm hoạt động tài trợ cho khủng bố, ủng hộ xây dựng và triển khai các quy định luật pháp, chính sách và chiến lược chống khủng bố, ngăn chặn tài trợ khủng bố, huy động toàn xã hội cùng tham gia ngăn chặn bạo lực cực đoan và chủ nghĩa khủng bố, chú trọng đảm bảo an ninh biên giới, an ninh trên không gian mạng.
Một điều rất quan trọng là quan tâm, chăm lo phù hợp cho giới trẻ, nhóm đối tượng rất dễ bị khủng bố chiêu mộ, dụ dỗ, đặc biệt qua mạng xã hội.
Vụ khủng bố nhằm vào văn phòng Liên hợp quốc tại Bagdagh năm 2003 là cú sốc với cả hệ thống Liên hợp quốc, khiến cơ quan này thay đổi cách thức ứng phó theo nhiều cách khác nhau, với một hệ thống an toàn và an ninh hoàn toàn mới được phát triển.
Chiến lược Chống Khủng bố Toàn cầu của Liên hợp quốc được thông qua năm 2006 với 4 trụ cột, bao gồm biện pháp giải quyết các nhân tố dẫn tới khủng bố; phòng, chống khủng bố; xây dựng năng lực của các nước trong phòng, chống khủng bố và tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này; bảo đảm tôn trọng quyền con người và pháp quyền, vốn là nền tảng cơ bản trong cuộc chiến chống khủng bố.
Một điều luôn được nhắc đến là ưu tiên đảm bảo quyền con người để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố. Quyền con người được đảm bảo sẽ tạo nên một xã hội loài người đoàn kết, không còn chỗ cho sự chia rẽ vốn là tiền đề để chủ nghĩa khủng bố hình thành và phát triển.
Cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua sự đoàn kết, hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm. Từ năm 2026, Liên hợp quốc sẽ nâng tầm hợp tác thông qua Chiến lược Chống Khủng bố Toàn cầu.
Tại kỳ thảo luận và thông qua văn kiện Rà soát lần thứ tám việc thực hiện Chiến lược Chống Khủng bố Toàn cầu của Liên hợp quốc, diễn ra tháng Sáu vừa qua, các nước thành viên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo Chiến lược luôn thích ứng, phù hợp với các mối đe dọa mới và các xu hướng phát triển của khủng bố quốc tế, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện cân bằng và kết hợp tất cả 4 trụ cột. Đó cũng là chiến lược để xây dựng một tương lai hòa bình cho thế giới./.