Họp Quốc hội: Bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu phòng, chống ma túy
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng mục tiêu có ít nhất 80% số trạm y tế xã có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy khó đạt được vì khả năng tổ chức thực hiện ở tuyến cơ sở còn hạn chế.
Chiều 8/11, thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Chương trình bởi tác hại của ma túy đối với xã hội và sức khỏe của người dân.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, Chính phủ đang đề xuất tổng số vốn thực hiện gần 22.500 tỷ đồng.
Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), quy mô vốn nếu so sánh với mục tiêu đặt ra của các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thì còn khá khiêm tốn.
Đại biểu đề nghị quan tâm đến cơ chế phân bổ và bố trí vốn đối ứng của địa phương trọng điểm về ma túy, đồng thời Chính phủ cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để tránh trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia về phạm vi, đối tượng, địa bàn thụ hưởng.
Quan tâm đến việc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nhất trí với nguyên tắc Trung ương hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đề xuất với Chính phủ quy định tỷ lệ vốn đối ứng cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách, với tỷ lệ hợp lý để địa phương có thể đáp ứng được.
Thực tế hiện nay, các địa phương đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tới đây còn 2 chương trình nữa; ngân sách địa phương đã rất cố gắng, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới yêu cầu tỷ lệ đối ứng 1:1 làm cho địa phương nhận ngân sách đến 80% như tỉnh Lạng Sơn rất khó khăn trong việc bố trí.
Trong khi đó, Lạng Sơn là tỉnh biên giới, nhiều cửa khẩu, địa bàn trọng yếu về an ninh trật tự, tội phạm về ma túy, nên cần có nguồn lực để có thể thực hiện được các dự án của chương trình.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nêu ví dụ: đối với nhóm chỉ tiêu giảm cung, một số chỉ tiêu phấn đấu đạt mức 100% như các tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ đối tượng bán lẻ ma túy, phấn đấu được phát hiện và triệt phá 100%. Theo đại biểu, chỉ tiêu này đạt mức tối đa 100% thì rất khó.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng mục tiêu có ít nhất 80% số trạm y tế xã có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy khó đạt được vì khả năng tổ chức thực hiện ở tuyến cơ sở còn hạn chế.
"Chúng ta đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể; tuy nhiên, phải phù hợp các quy định pháp luật hiện hành và tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai," đại biểu kiến nghị.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu nêu thực tế hiện nay có nhiều hành vi vi phạm về quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo không đúng chất lượng của sản phẩm, dẫn đến hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo. Do đó, các đại biểu đề nghị quy định chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo.
Các đại biểu đề nghị cần minh bạch hơn trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên báo chí; quy định rõ tin bài thông thường và tin bài được tài trợ để quảng cáo.
Theo các đại biểu, việc tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.
Một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động chính sách làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%./.