Hơn 90% lao động đã trở lại sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ 'nhảy việc' thấp

Các doanh nghiệp khuyến khích lao động quay lại làm việc bằng việc tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm. Các chính sách chăm lo tốt giúp doanh nghiệp duy trì nguồn lao động ổn định.

Năm nay, do tình hình thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp cho lao động nghỉ Tết dài ngày hơn, bắt đầu làm việc từ ngày mùng 9 Tết (ngày 30/1) thay vì mùng 6 Tết (ngày 27/1) như lịch nghỉ Tết kéo dài 7 ngày theo Bộ Luật lao động. Đối với những địa phương có nhiều doanh nghiệp phải ngừng việc, giãn việc, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng các chương trình hỗ trợ, xúc tiến kết nối việc làm để duy trì nguồn nhân lực cho địa phương.

Lao động ổn định, tỷ lệ quay lại làm việc cao

Tại các địa phương, tỷ lệ lao động trở lại làm việc vào ngày 27/1 (mùng 6 Tết) là khoảng hơn 80% và tăng lên hơn 90% vào ngày 30/1 (mùng 9 Tết). Riêng các tỉnh miền Nam tập trung nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất gỗ, dệt may, da giày đang gặp khó khăn thì hoạt động trở lại sau Tết muộn hơn.

Các doanh nghiệp khuyến khích lao động quay lại làm việc đúng ngày bằng việc tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm. Các chính sách chăm lo tốt đã giúp doanh nghiệp duy trì nguồn lao động ổn định.

Tại địa phương sử dụng đông lao động nhất là Bình Dương, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp vào ngày đầu năm tương đối ổn định, đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và sẽ không có biến động lớn về lao động.

Tính đến ngày 30/1, số doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp tại Bình Dương trở lại hoạt động đạt khoảng 86%, tỷ lệ  số lao động trở lại làm việc đạt 83,5%. Số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 88%, số lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ 89%.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đến ngày 30/1, phần lớn công nhân viên chức, người lao động đã quay trở lại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp bắt tay vào hoạt động sau thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023. Tỷ lệ lao động quay lại các cơ quan, doanh nghiệp làm việc đạt khoảng 95%.

Thăm hỏi công nhân lao động trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao đông-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2022 tình hình sản xuất khó khăn ở một số doanh nghiệp nên người lao động có suy nghĩ khác so với các năm trước. Tình trạng đổi việc, "nhảy việc" sau Tết không còn là xu hướng do công nhân mong muốn có việc làm ổn định.

[DN ra quân sản xuất đầu năm, 95% lao động quay lại làm việc sau Tết]

Tại Đồng Nai, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết do tình hình sản xuất, đơn hàng của các doanh nghiệp có sự giảm sút từ cuối năm 2022 nên hầu hết các doanh nghiệp xây dựng phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão dài hơn so với quy định của Chính phủ và các năm trước. Trung bình các doanh nghiệp bố trí người lao động nghỉ từ 9-14 ngày, thậm chí một số doanh nghiệp ngành chế biến gỗ bố trí lịch nghỉ Tết từ 20-25 ngày.

Tính đến ngày 27/1 (mùng 6 Tết), hầu hết các doanh nghiệp tại Đồng Nai chưa quay lại hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến ngày làm việc đầu tiên làm việc ngày 30/1 (mùng 9 Tết), tỷ lệ lao động quay lại cao, nhiều công ty có tới 99% công nhân đi làm bình thường, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất ngay từ đầu năm.

Các địa phương phía Bắc, tỷ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết cũng cao. Theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động Hà Nội, tính đến ngày 30/1 đã có hơn 99,2% doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất với trên 97,8% số công nhân lao động trở lại làm việc. Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Hà Nội ổn định, không xảy ra vụ đình công, ngừng việc tập thể nào. Tại Bắc Ninh, toàn bộ 1.190 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động với hơn 307.000 lao động đi làm chiếm tỷ lệ hơn 99% lao động. Thái Nguyên cũng có gần 95% công nhân đã đi làm lại ngày từ ngày 27/1 (mùng 6 Tết).

Hỗ trợ ổn định thị trường lao động

Nhận định về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo một số doanh nghiệp sẽ vẫn gặp khó khăn do tác động của thị trường thế giới. Quý 1 và quý 2/2023 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.

Phỏng vấn tuyển dụng lao động. (Ảnh minh hoạ; TTXVN)

Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung-cầu lao động.

Theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 khoảng 377.700 người, cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua cho thấy cần phải đẩy mạnh kết nối việc làm tại các địa phương.

Ông Phạm Văn Tuyên cho biết dự báo quý 1/2023 nhu cầu của doanh nghiệp tại Bình Dương cần khoảng 10.000 lao động, bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới để mở rộng sản xuất và một phần là tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông có kinh nghiệm, tay nghề với mức thu nhập ổn định, hấp dẫn chiếm đến 80%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lâm cho hay trong tháng 2/2023, trên địa bàn thành phố sẽ có nhiều hoạt động giao dịch việc làm. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức chương trình tiếp sức người lao động do thực hiện để kết nối người lao động tại các tỉnh cần Thơ, Ben Tre, Long An, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Ngoài ra thành phố sẽ tổ chức nhiều phiên, sàn giao dịch trực tuyến để doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh gặp gỡ, trao đổi, giải quyết nhu cầu lao động trong quý 1/2023.

Bên cạnh kết nối việc làm, các địa phương có nhiều lao động bị giãn việc, ngừng việc đang tập trung vào nắm bắt nhu cầu, khó khắn của lao động, ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Tại Đồng Nai, từ ngày 1/1- 27/1 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công liên quan đến tiền lương, và thưởng tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo dự báo giai đoạn sau Tết Nguyên đán Quý Mão có thể sẽ phát sinh tranh chấp do một bộ phận người lao động còn hạn chế về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật lao động về nội quy lao động, kỷ luật lao động, thời gian nghỉ Tết lâu, giảm thời giờ làm việc, thu nhập sau Tết...

Ông Nông Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết hiện nay Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ người lao động bị mất việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do doanh nghiệp gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai./.

PV (Vietnam+)