Hơn 70% cơ sở tôn giáo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng, vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết; hiện có hơn 70% số lượng cơ sở tôn giáo đã được cấp sổ hồng.
Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng cho biết đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo trên phạm vi toàn quốc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ hồng) chiếm khoảng hơn 70%.
Đây là một trong những kết quả nổi bật về công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, được ông Trọng chia sẻ tại Hội nghị “Cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 4/2024,” do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tổ chức sáng 11/4, tại Hà Nội.
Theo ông Trọng, Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 27 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, trên 144.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. So với năm 2022, số lượng tín đồ tăng gần 56.000 người, chức sắc tăng 814 người, cơ sở thờ tự tăng 142 cơ sở.
“Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Hiện có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới,” ông Trọng thông tin và cho biết cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong điều kiện phát triển của hệ thống tín ngưỡng cũng như sự gia tăng cơ sở thờ tự trên, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Việt Nam quan tâm, xem trọng; đến nay đã đạt được nhiều kết quả nổi bật được quốc tế ghi nhận.
Đơn cử, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/12/2016. Gần đây, Quốc hội Khóa XV cũng đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có đất đai liên quan đến tôn giáo.
Cụ thể theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước như các tổ chức, cá nhân khác.
Đặc biệt, Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Trong đó, vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới các cơ sở tôn giáo.
“Đến nay, hầu hết các cơ quan sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới; số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc chiếm khoảng hơn 70%,” ông Trọng thông tin.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính quyền, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng luôn được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp chú trọng đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng.
“Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo, năm 2023, Nhà Xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản với trên 2,4 triệu bản in. Nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc,” ông Trọng nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo cũng luôn được Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện, góp phần quảng bá chủ trương, chính sách, đảm bảo quyền tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước đến bạn bè quốc tế; quan hệ Việt Nam - Vatican đang có bước tiến triển tích cực…
Cũng tại hội nghị, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định ở Việt Nam không có hiện tượng ép bỏ đạo; người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền; Nhà nước tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo./.