Hơn 325 tỷ đồng đầu tư trạm dừng nghỉ tuyến Cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn
Tuyến Cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn sẽ có 2 trạm dừng nghỉ dọc tuyến với vốn đầu tư dự án bao gồm sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 325,7 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa ký quyết định phê duyệt thông tin Dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ Km366+850 (phải tuyến) và Km366+920 (trái tuyến) thuộc Dự án thành phần Quốc lộ 45-Nghi Sơn trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Theo đó, Dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ Km366+850 (phải tuyến) và Km366+920 (trái tuyến) thuộc Dự án thành phần Quốc lộ 45-Nghi Sơn trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông có diện tích khoảng 11,7ha. Địa điểm xây dựng dự án tại xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, trạm bên phải tuyến có tổng diện tích khoảng 61.333m2 gồm diện tích xây dựng đường gom hoàn trả khoảng 8.603m2; diện tích đường nhựa vuốt nối với đường cao tốc khoảng 2.730m2; diện tích đất lưu không, taluy khoảng 8.500m2; diện tích xây dựng trạm dừng nghỉ 41.500m2 .
Trạm bên trái tuyến có tổng diện tích (không có đường gom) khoảng 55.960 m2 gồm: diện tích đường nhựa vuốt nối với đường cao tốc khoảng 5.960m2; diện tích đất lưu không, taluy khoảng 8.500m2; diện tích đất xây dựng trạm dừng nghỉ 41.500m2 .
Dự án có 3 loại hạng mục phục vụ cho nhu cầu dừng nghỉ của người tham gia giao thông.
Cụ thể, các công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm: bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Công trình dịch vụ thương mại gồm: khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu vui chơi, giải trí; khu vui chơi dành riêng cho trẻ em; các công trình phụ trợ; các dịch vụ thiết yếu khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Công trình bổ trợ gồm: biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ; nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương; nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa); công trình bổ trợ thuộc hạng mục khuyến khích đầu tư.
Vốn đầu tư dự án bao gồm sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 325,7 tỷ đồng, trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 315,6 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 10,1 tỷ đồng với nguồn vốn đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư.
Tiến độ tổng thể dự án dự kiến 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công dự kiến 9 tháng được xác định kể từ ngày hợp đồng giữa cơ quan có thẩm quyền với nhà đầu tư có hiệu lực; thời gian khai thác sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm 10.
Dự án do bên mời thầu là Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải); hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi trong nước, một giai đoạn một túi hồ sơ. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là tháng 6/2024.
Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án 2 căn cứ vào các thông tin được phê duyệt, khẩn trương triển khai các công việc tiếp theo để sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật./.