Hơn 1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong tháng 3

Theo dữ liệu tổng hợp của VBMA, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3 là gần 14.300 tỷ đồng, tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ 3/2022.

Ảnh minh họa. (Ảnh: CVT/Vietnam+)

Sau khi có những chính sách khai thông, gỡ nút thắt với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến và chỉ tính riêng tháng 3 đã đạt tới hơn 1,1 tỷ USD.

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 31/3, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD theo tỷ giá hôm nay 6/4) được ghi nhận trong tháng 3.

Con số này nếu so với tháng 1 trước đó chỉ có duy nhất một lô phát hành riêng lẻ với giá trị 110 tỷ đồng và tháng 2 có 3 lô tổng trị giá 2.000 tỷ đồng thì rõ ràng đã tăng rất nhiều. Nếu so với tháng 3/2022 cũng đã tăng vượt bậc. Cụ thể, trong tháng 3/2022 có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 3.621 tỷ đồng.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3 là gần 14.300 tỷ đồng, tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022.

Xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5 nghìn tỷ, chiếm 35% tổng giá trị mua lại và 3.400 tỷ đồng, chiếm 24% tổng giá trị mua lại.

Tính từ đầu năm tới hết tháng 3, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 31/3, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 4/2023 là 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 4.500 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng, chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.

[NHNN thanh tra 11 ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp]

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành (ngày 5/3/2023), hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bắt đầu có sự phục hồi.

Tuy nhiên theo quan sát của VNDIRECT, các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn trong quý 1/2023 đều là của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin về các doanh nghiệp này cũng rất hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp tính tới thời điểm phát hành chỉ có thời gian thành lập chưa đến 1 năm.

Trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại, tỷ lệ phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân của của các lô trái phiếu mới phát hành này là rất hạn chế, người mua chủ yếu là các tổ chức, do đó VNDIRECT cho rằng những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ là để cơ cấu lại nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn.

VNDIRECT cũng nhận thấy hoạt động mua lại trước hạn bắt đầu chững lại. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng bị thắt chặt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của các doanh nghiệp trong thời gian qua đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, đây có thể là những nguyên nhân khiến hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trước hạn trong quý I/2023 đã chững lại.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên.

Đến ngày 22/3, có khoảng 53 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.

VNDIRECT ước tính tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 148.900 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 13,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.

Khoảng hơn 46.200 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,8% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm./.

Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)