Hơn 1.000 nhà cung cấp tham dự kết nối giữa TP.Hồ Chí Minh với 45 địa phương

Thông qua Chương trình kết nối cung-cầu, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đến nay người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiếp cận, có cơ hội trải nghiệm hàng nghìn đặc sản của cả nước.

Hội nghị Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Ngày 21/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội nghị kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023 và Chương trình Tinh hoa làng nghề.

Sự kiện có 45 địa phương đăng ký tham gia, không chỉ mang đến thành phố hàng nghìn đặc sản vùng miền mà còn trình diễn 19 không gian văn hóa làng nghề đặc sắc của cả nước. Đáng chú ý, tại chuỗi sự kiện Hội nghị kết nối cung-cầu năm nay, nội dung quan trọng nhất là không gian kết nối B2B, trao đổi trực tiếp giữa 12 hệ thống phân phối, 5 sàn Thương mại Điện tử và hơn 1.000 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lần thứ 12 cùng chuỗi các sự kiện có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là động lực đẩy mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước và là giải pháp hữu hiệu để cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên Đán.

Qua 11 năm triển khai thực hiện, xét về quy mô, hiệu quả của Hội nghị Kết nối cung-cầu ngày càng được mở rộng, hàng hoá dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày một nhiều. Từ chỗ chỉ là Hội nghị kết nối hàng hóa đơn thuần, đến nay, sự kiện đã được xây dựng một cách quy mô và phong phú, đa dạng với sự tham gia của khoảng 45 tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng thăm quan các gian hàng tại hội nghị kết nối cung-cầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Hội nghị đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua-bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu trực tuyến; góp phần cung cấp nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, phục vụ thị trường Thành phố dịp Tết Giáp Thìn 2024,” Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói.

Năm 2023 là năm cao điểm Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh liên kết vùng. Thành phố đã tổ chức tổng kết và ký hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với 38 tỉnh, thành thuộc 05 vùng kinh tế trên cả nước; trong đó Chương trình Kết nối cung cầu là một hoạt động cấp vùng, nhằm cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo Thành phố.

Đây là hoạt động kết nối 2 chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Thành phố, nhất là các dịp Lễ, Tết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nhấn mạnh thông qua sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đến nay người tiêu dùng Thành phố đã được tiếp cận, có cơ hội trải nghiệm hàng nghìn đặc sản của cả nước; nhiều hệ thống phân phối lớn tổ chức khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP như: Coopmart, BigC, Top Market, Satra, MM Mega Market…

Hoạt động kết nối B2B, trao đổi trực tiếp giữa 12 hệ thống phân phối, 5 sàn thương mại điện tử và hơn 1.000 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận như Yến Đảo Cần Giờ, dừa sáp sợi Bến Tre, hạt điều Bình Phước, mật hoa dừa Trà Vinh, bánh cốm Bình Định, miến dong Bắc Kạn… Chương trình đã kết nối các hệ thống phân phối đồng hành, cùng hỗ trợ nhà cung cấp hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu…, với mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp thị hiếu, các hệ thống phân phối đăng ký hỗ trợ phát triển thương hiệu cho toàn bộ sản phẩm OCOP của Thành phố Hồ Chí Minh; dự kiến mở rộng các tỉnh, thành trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị sở công thương tiếp tục kết nối theo chiều sâu, không chỉ tạo điều kiện 2 bên mua-bán gặp gỡ, tìm kiếm đơn hàng mà còn hỗ trợ nhà sản xuất hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện quy trình tiếp nhận, xử lý đơn hàng, xây dựng thương hiệu, duy trì doanh số...

"Sở cần phát huy kênh Thương mại Điện tử, đẩy mạnh kết nối trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn Thương mại Điện tử, triển khai hiệu quả Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, xuất khẩu xuyên biên giới thông qua Thương mại Điện tử…," ông Nguyễn Văn Dũng lưu ý thêm./.