Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc: Lan tỏa bản sắc văn hóa Việt
Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện giao lưu cho các nghệ nhân, nghệ sỹ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với nền văn hóa mang đậm dấu ấn bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024 diễn ra từ 1-4/8 là nơi hội tụ, lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc; còn là dịp để các dân tộc giao lưu, từ đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong những ngày này, trong khuôn khổ Ngày hội tại Nhà văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra các chương trình: trình diễn dân ca, dân vũ và trang phục dân tộc; trình diễn nghi lễ truyền thống; thi ẩm thực.
Các tiết mục đã đem đến những gam màu và hoa văn đặc sắc của 24 đơn vị tham gia. Nhiều nghi thức, phong tục truyền thống được tái hiện bởi các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên đại diện cho nhiều thành phần dân tộc của các địa phương.
Các phần trình diễn dân ca, dân vũ và trang phục truyền thống của mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc riêng biệt, không thể nhầm lẫn nhưng lại hòa hợp trong bức tranh đa sắc tổng thể của văn hóa các dân tộc.
Như đoàn Bắc Giang trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Tày, dân tộc Dao Thanh Phán và trang phục quan họ của dân tộc Kinh. Các cô gái Bắc Giang thướt tha, duyên dáng trong trang phục truyền thống toát lên niềm tự hào về văn hóa địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hương trong trang phục của người Dao Thanh Phán cho biết: "Là thế hệ trẻ của người Dao, tôi sẽ tiếp nối truyền thống của những người đi trước để tiếp tục giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đối với việc phục dựng văn hóa Việt."
Còn đoàn Đắk Lắk mang đến những âm thanh rộn ràng của đàn chiêng Aráp và điệu múa xoang. Đây là nghệ thuật diễn xướng hình thành bởi sự giao thoa văn hóa giữa dân tộc Ê đê và Gia Rai trên vùng đất cao nguyên Đắk Lắk.
Cùng với đó, các nghệ nhân Đắk Lắk mang đến tiếng chiêng tre, một loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Ê đê được chế tác từ ống tre, ống nứa của núi rừng Tây Nguyên, cùng những làn điệu dân ca, hát ru.
Các đơn vị đã mang đến Hội thi nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc ở địa phương. Nhiều tiết mục đã thể hiện lại những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, cộng đồng dân cư địa phương một cách nguyên bản.
Đoàn Quảng Ngãi đem đến hội thi trích đoạn tái diễn Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là nghi lễ được cư dân Lý Sơn duy trì đến ngày nay để thể hiện truyền thống yêu nước, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Nghệ nhân Trần Công Trọng đến từ huyện Lý Sơn tham gia nghi lễ với vai trò là thầy pháp chia sẻ: mô hình thuyền câu, các phẩm vật tế lễ, hình nhân và các linh vị cai đội Hoàng Sa, cùng với tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng đã tạo nên một lễ hội đặc trưng, riêng biệt của hòn đảo tiền tiêu.
Hay Lễ cưới truyền thống của cộng đồng người dân tộc Chăm Islam, tỉnh An Giang. Đó là Lễ cưới truyền thống thường được tổ chức sau mùa chay Ramadan, được diễn ra trong ba ngày.
Với tín ngưỡng đạo Hồi Islam, người Chăm quan niệm hôn nhân chính là thước đo chuẩn mực của mỗi con người, lễ cưới vì thế cũng được tổ chức với những cách thức đặc sắc, tạo nên nét văn hóa đẹp của người Chăm Islam, trở thành điểm nhấn đặc biệt trong nền văn hóa của đồng bào nơi đây.
Những nghệ nhân, nghệ sỹ đến với Hội thi không chỉ để được trình diễn, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc mình, còn để được học hỏi, giao lưu với cộng đồng các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.
Anh Diêu Thiêng, đến từ đơn vị Bình Phước, chia sẻ: Đến với hội thi năm nay, đoàn mang những đặc trưng riêng biệt của đồng bào S’Tiêng, tỉnh Bình Phước để cùng hòa vào bức tranh đa sắc các dân tộc Việt Nam.
“Chúng tôi rất vui khi được đóng góp công sức vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của hội thi. Điều hạnh phúc nhất là khi tham gia hội thi, chúng tôi được cảm nhận rõ hơn về sự khác biệt trong văn hóa của dân tộc mình so với các cộng đồng dân tộc khác. Đến với hội thi, tôi như được hòa mình vào đây, để cảm nhận rõ hơn chính mình, để thấy được sự độc đáo đặc sắc của dân tộc mình, của các cộng đồng dân tộc anh em, thấy được sự đa dạng, giàu bản sắc văn hóa của dân tộc ta,” anh Diêu Thiêng cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Quốc Huy cho biết, các đoàn đã có sự chuẩn bị chu đáo ở tất cả mỗi tiết mục, các phần thi. Mỗi đơn vị có những nét đặc sắc, độc đáo, mang dấu ấn riêng của dân tộc, địa phương mình. Qua đó, cho thấy các địa phương đã chú trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy rất tốt các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống.
Việc tổ chức Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sỹ được giao lưu, học hỏi, thắt chặt thêm tình đoàn kết. Từ đó cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,” ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh./.