Hội nghị WSDS 2023 nhấn mạnh sự cấp bách của phát triển bền vững
Phát triển bền vững đã trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết trong hoạt động kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các thảm họa do khí hậu.
Phát triển bền vững đã trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết trong hoạt động kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các thảm họa do khí hậu cho thấy sự sống còn của con người đang bị đe dọa.
Chính vì vậy, làm thế nào để phát triển nhanh, an toàn, chất lượng và bền vững, có khả năng chống chọi với các mối đe dọa khí hậu là vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, từ ngày 22-24/2, Viện Năng lượng và Tài nguyên (TERI) của Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị cấp cao về Phát triển bền vững thế giới (WSDS) lần thứ 22, với chủ đề: “Lồng ghép phát triển bền vững và chống chịu khí hậu vào hành động tập thể.”
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của WSDS trong việc thúc đẩy thảo luận về phát triển bền vững và hành động vì khí hậu, Tiến sỹ Vibha Dhawan - Tổng Giám đốc TERI nói: “WSDS đặt mục tiêu trở thành nơi gặp gỡ của nhiều bên liên quan - các nhà lãnh đạo chính trị và tư tưởng, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, đại diện từ các diễn đàn liên chính phủ và các thành viên xã hội dân sự - để cân nhắc về các hành động, giải pháp và quan hệ đối tác cần thiết để làm cho hành tinh trở nên hồi phục và phát triển bền vững.”
TERI được thành lập năm 1974, hoạt động phi lợi nhuận và chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực năng lượng, môi trường và phát triển bền vững cho Ấn Độ và Nam Bán cầu.
Nhấn mạnh vào việc mọi thành phần xã hội tham gia nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững, hội nghị WSDS 2023 gồm có các Phiên họp cấp Bộ trưởng, Hội nghị toàn thể dành cho giới trẻ, Hội nghị toàn thể về lãnh đạo nữ, Diễn đàn CEO, Hội thảo truyền thông và các chuyên đề.
Đây cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo tư tưởng và các nhà hoạch định chính sách tương tác, đồng thời là cơ hội để các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng quan hệ đối tác. Tại hội nghị, đại diện hàng đầu của các tổ chức quốc tế, chính phủ, doanh nghiệp và công nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, xã hội dân sự cũng như lực lượng thanh niên đã thảo luận về nhiều chủ đề liên quan như tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới, tiêu dùng bền vững, chuyển đổi năng lượng toàn diện, hành động khí hậu và các lợi ích chung toàn cầu.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Với chủ đề “Một Trái Đất, một gia đình, một tương lai” cho Năm Chủ tịch G20, Ấn Độ đã xác định một số ưu tiên cho vai trò của mình, như tăng trưởng toàn diện, công bằng và bền vững; lối sống vì môi trường; trao quyền cho phụ nữ; cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số; tài trợ khí hậu; kinh tế tuần hoàn; an ninh lương thực toàn cầu; an ninh năng lượng; hydro xanh; giảm thiểu rủi ro thiên tai…
[Việt Nam: Mạnh mẽ ứng phó khí hậu là động lực thúc đẩy phát triển]
Chủ tịch G20 năm 2023 được kỳ vọng sẽ ủng hộ sự nghiệp của các quốc gia đang phát triển trong việc đối phó với khủng hoảng khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị WSDS 2023, ông Sultan al-Jaber - Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28), đồng thời là đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - cho biết sẽ đưa ra một lộ trình toàn diện và hướng đến kết quả cho COP 28.
Theo ông, những chính sách cần phải tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng và cùng lúc đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với nguồn vốn đóng vai trò then chốt. Ông al-Jaber cho rằng nguồn vốn sẽ giúp quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động và là nhân tố chính cho một thỏa thuận công bằng về tài chính khí hậu đối với khu vực Nam Bán cầu.
Ông nhấn mạnh: “COP 28 phải hoàn tất thỏa thuận tăng gấp đôi về các khoản tài chính hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu. Thích ứng cũng có nghĩa là bảo tồn tất cả sự sống trên Trái Đất, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên và các loài bản địa. Với tư cách là nước Chủ tịch COP 28, chúng tôi chia sẻ niềm tin vững chắc của Ấn Độ rằng bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên là nghĩa vụ cơ bản.”
Trong khi đó, ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đã nêu “ba lĩnh vực chính cần hỗ trợ và lãnh đạo” để biến COP 28 thành “thời khắc chuyển đổi”, đồng thời cho rằng cần phải lập ra Đánh giá toàn cầu (Global Stocktake) một cách toàn diện.
Ông nhấn mạnh: “Việc đánh giá là trọng tâm công tác của chúng tôi trong năm nay, là trọng tâm của COP 28 và là lần đầu tiên thế giới cùng nhau xác định xem các quốc gia có đáp ứng các mục tiêu về khí hậu đã thống nhất ở Paris hay không. Sự thành công của COP 28 phụ thuộc vào sự thành công của Đánh giá toàn cầu, hay cụ thể hơn là phản ứng đối với bản đánh giá này.”
Ông Stiell cảnh báo thế giới “đang hướng tới mức tăng nhiệt độ từ 2,5 độ C trở lên, với những hậu quả nghiêm trọng”, do đó chính phủ các nước cần sắp xếp mọi yếu tố của đời sống quốc gia phù hợp với những cam kết của họ đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.