Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào

Bộ Tư pháp Việt-Lào sẽ phối hợp giải quyết các trường hợp người di cư tự do Việt Nam đang cư trú tại Lào có nguyện vọng nhập quốc tịch Lào nhưng chưa được nhập quốc tịch, hoàn thành trước 6/2023.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ngày 24/8, tại Nghệ An, Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp Lào tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ V.

Tham dự hội nghị có trên 100 cán bộ là lãnh đạo của một số đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào; lãnh đạo các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào có chung đường biên giới; lãnh đạo một số Sở Tư pháp có quan hệ hợp tác kết nghĩa với các tỉnh của Lào.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: "Việc tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ V là cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Hội nghị sẽ đánh giá một cách khách quan và đầy đủ tình hình triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ IV đồng thời tiếp tục đưa ra những kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất hơn giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp địa phương các tỉnh đường biên và một số tỉnh khác của hai nước Việt Nam-Lào nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sinh sống dọc biên giới hai nước được ổn định cuộc sống, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng mà Hiến pháp của hai nước đã dành cho họ."

Ông Phâyvi Xibua Lipha, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào cho rằng thời gian qua, ngành tư pháp của hai nước đã phối hợp thực hiện có hiệu quả Kết luận Hội nghị đường biên lần thứ IV và Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.

Tuy nhiên, một số nội dung vẫn chưa đạt được mục tiêu như đề ra. Vì vậy, Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ V là cơ hội để hai bên tìm được tiếng nói chung, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả, toàn diện hơn nữa những thỏa thuận của hai Bộ, hai Chính phủ.

Ông Phâyvi Xibua Lipha, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Hội nghị đã nghe 6 tham luận của phía Việt Nam, phía Lào với những đánh giá tương đối toàn diện và sâu sắc về quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước trong thời gian qua.

Các tham luận đánh giá tình hình thực hiện Kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ IV; công tác quản lý và đăng ký quốc tịch, hộ tịch ở các địa phương vùng biên và việc triển khai cấp quốc tịch cho các đối tượng liên quan sau khi Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước hết hiệu lực từ ngày 14/11/2019; công tác phổ biến, giáo dục và trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên giới Việt Nam-Lào; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật cho Lào và công tác thi hành án dân sự ở vùng biên giới Việt Nam-Lào.

Qua các tham luận, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào, các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự hai nước trong việc triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị đường biên lần thứ IV, phối hợp giải quyết nhiều nhiệm vụ công tác tư pháp ở địa phương, đặc biệt trong việc thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, đẩy mạnh giải quyết hiệu quả các vấn đề hộ tịch, quốc tịch đối với các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Thỏa thuận.

Đến thời điểm hiện tại, số người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú cư trú tại Việt Nam được Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước phê duyệt và đã được giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam là 1.516/1.836 trường hợp; số người Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú cư trú tại Lào được Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước phê duyệt và đã được giải quyết nhập quốc tịch Lào là 2.726 /6.571 trường hợp.

Hội nghị đã thống nhất thời gian tới, Bộ Tư pháp hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để giải quyết các trường hợp người di cư tự do Việt Nam đang cư trú tại Lào, đã có tên trong danh sách được trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước phê duyệt, có nguyện vọng được nhập quốc tịch Lào nhưng chưa được nhập quốc tịch, phấn đấu hoàn thành trước 6/2023.

Hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất các biện pháp tích cực nhằm giải quyết có hiệu quả, đúng pháp luật vấn đề hộ tịch, quốc tịch thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đối với các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng Thỏa thuận theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trên tinh thần quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

[Phát triển toàn diện quan hệ hợp tác của ngành Tư pháp Việt Nam-Lào]

Bộ Tư pháp hai nước cũng sẽ sớm hoàn tất việc đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, nâng cao hiệu quả thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự; tăng cường phối hợp trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực, trong đó có việc phối hợp triển khai thực hiện sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự trong ASEAN…

Ngoài ra, hai Bộ Tư pháp thống nhất sẽ phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình hợp tác hàng năm để thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 giữa hai Bộ, Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam với Học viện Tư pháp quốc gia Lào.

Bộ Tư pháp hai nước chỉ đạo các cơ sở đào tạo luật thuộc hai Bộ tăng cường hợp tác trong việc nâng cao năng lực cán bộ tư pháp của Bộ và ngành Tư pháp Lào. Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp tích cực, chặt chẽ để kịp thời hoàn thành các hoạt động trong khuôn khổ Dự án ODA hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Bên lề Hội nghị, hai bên đã ký kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào năm 2023; Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Luật miền Trung và Học viện Tư pháp quốc gia Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Sở Tư pháp tỉnh Xayabury (Lào)./.

Văn Tý (TTXVN/Vietnam+)