Hội nghị Siem Reap-Angkor: Cam kết vì một thế giới hòa bình và an toàn
Theo Phó Chủ tịch thứ nhất CMAA, việc thông qua các văn kiện quan trọng, trong đó có Kế hoạch hành động Siem Reap-Angkor, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình chung.
Tối 29/11, Hội nghị cấp cao Siem Reap-Angkor vì một thế giới không có bom mìn hay Hội nghị kiểm điểm lần thứ 5 Công ước cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa) tại tỉnh Siem Reap đã khép lại với cam kết vì hòa bình và an toàn trên toàn thế giới của nước chủ nhà Campuchia.
Cam kết trên được Tiến sỹ Ly Thuch, Chủ tịch Hội nghị kiểm điểm lần thứ 5 Công ước cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa), Bộ trưởng cấp cao phụ trách công tác đặc biệt kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Cơ quan Quản lý hành động bom mìn và Hỗ trợ nạn nhân bom mìn của Campuchia (CMAA) khẳng định tại phiên bế mạc hội nghị.
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị cấp cao Siem Reap-Angkor vì một thế giới không có bom mìn, diễn ra từ ngày 25-29/11 tại tỉnh Siem Reap, Bộ trưởng cấp cao Ly Thuch nêu rõ: "Hội nghị đã phản ánh cam kết không ngừng của Campuchia đối với hoạt động phòng chống bom mìn và sự chuyển đổi của quốc gia này từ một đất nước bị ảnh hưởng bởi bom mìn thành một quốc gia đi đầu toàn cầu về chống bom mìn. Hội nghị đã đoàn kết các quốc gia, tổ chức và cá nhân trong tầm nhìn chung về một thế giới không có bom mìn."
Theo Phó Chủ tịch thứ nhất CMAA, việc thông qua các văn kiện quan trọng, trong đó có Kế hoạch hành động Siem Reap-Angkor, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình chung.
Hội nghị thu hút 978 đại biểu tham gia, bao gồm các đại biểu đến từ 106 quốc gia trên khắp thế giới và 58 tổ chức, cùng 212 phóng viên trong nước và quốc tế.
Bế mạc hội nghị, Tiến sỹ Ly Thuch đã trao cờ Công ước Ottawa năm 2025 cho Nhật Bản thông qua đại diện là bà Ichikawa Tomiko - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền kiêm Trưởng phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva, Thụy Sĩ.
Campuchia là một trong những quốc gia gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi chiến tranh với nhiều bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại khắp nơi, thường xuyên đe dọa tính mạng của người dân.
Tính từ năm 1979, có hơn 65.000 người Campuchia bị thương tật do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có hơn 19.000 trường hợp tử vong.
Để chấm dứt nỗi đau của người dân bị ảnh hưởng bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, Campuchia đã thể hiện quyết tâm cao trong hoạt động rà phá bom mìn. Trong vòng 30 năm, từ năm 1992-2022, có 2.531km2 đất đai ở “Xứ Chùa Tháp” được rà phá bom mìn, trở thành những vùng đất an toàn cho khoảng 9 triệu người dân khai thác sử dụng, cùng các hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, cầu, đường.
Thông qua hoạt động rà phá bom mìn, lực lượng chuyên môn đã phát hiện, phá hủy hàng triệu quả mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Campuchia. Trong đó, có hơn 1,1 triệu quả mìn sát thương, hơn 26.000 quả mìn chống tăng và trên 3 triệu khí tài, vật liệu nổ khác. Số nạn nhân bom mìn ở Campuchia đã giảm dần qua từng năm, từ 4.320 trường hợp vào năm 1996, cũng là năm ghi nhận có số lượng thương vong cao nhất, xuống còn 44 trường hợp vào năm 2021.
Tính đến cuối năm 2022, Campuchia vẫn còn khoảng 2.001km2 được cho là có bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, bao gồm 703km2 có bom mìn và 1.298 km2 có vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Thông qua nỗ lực chung, đến thời điểm này, đã có 15 trong tổng số 25 đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Campuchia công bố hết bom mìn./.