Hội nghị mùa Xuân 2023: Tìm giải pháp cho những vấn đề kinh tế hóc búa
Hội nghị mùa Xuân 2023 của WB và IMF được tổ chức trong bối cảnh các nước lo ngại về xung đột tại Ukraine, khủng hoảng nợ toàn cầu, lạm phát cao và “sức khỏe” của ngành ngân hàng thế giới.
Hội nghị mùa Xuân thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ từ ngày 10-16/4 với chương trình nghị sự tập trung vào những vấn đề kinh tế hóc búa đang cần giải pháp.
Sự kiện quy tụ các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương, các nhà lập pháp, giám đốc điều hành khu vực tư nhân và đông đảo học giả.
Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua WB và IMF nhóm họp trực tiếp.
Với chủ đề “Con đường phía trước: Xây dựng khả năng phục hồi và định hình lại sự phát triển," Hội nghị mùa Xuân 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng do tác động của đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, khủng hoảng nợ toàn cầu, lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị gia tăng và lo ngại về “sức khỏe ” của ngành ngân hàng sau sự sụp đổ của các “ông lớn” trong ngành, điển hình là Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ và Credit Suisse tại Thụy Sĩ.
Do đó, các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị, cũng như các hội thảo, cuộc họp cấp khu vực, họp báo và nhiều sự kiện khác bên lề, chủ yếu tập trung tìm giải pháp cho các thách thức trên toàn cầu như tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu nợ hướng đến phục hồi và phát triển kinh tế.
Một trong những sự kiện nổi bật tại hội nghị là IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO), cung cấp cái nhìn rộng hơn về những thách thức tài chính đối với kinh tế toàn cầu để từ đó tìm ra lời giải.
WEO được xuất bản 6 tháng một năm và trình bày phân tích của IMF về sự phát triển kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn và trung hạn.
Năm nay, báo cáo được công bố trong bối cảnh các điều kiện tài chính đang bị thắt chặt ở hầu hết các khu vực và tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ 6% năm 2021 xuống 2,8% trong năm nay, sau đó dao động ở mức khoảng 3% vào năm 2028.
Đây là mức dự báo 5 năm thấp nhất kể từ khi IMF bắt đầu đưa ra các dự báo tăng trưởng 5 năm vào năm 1990.
Việc IMF giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới phản ánh tình trạng yếu đi của một số nền kinh tế lớn, cũng như khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát gia tăng.
IMF cũng dự báo lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 7% trong năm nay, thấp hơn so với mức 8,7% của năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đề ra.
Trong khi đó, những điểm yếu tiềm ẩn trên các thị trường tài chính có nguy cơ bùng phát thành một cuộc khủng hoảng mới và ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Những điểm yếu đó có thể là thiếu sự chuẩn bị để ứng phó với tác động của việc tăng lãi suất.
Theo IMF, những yếu tố rủi ro như vậy đã gia tăng nhanh sau các vụ sụp đổ ngân hàng SVB và Credit Suisse, theo đó một số nhà đầu tư đang tìm kiếm các liên kết yếu ớt có thể khiến tình trạng sụp đổ của các ngân hàng lây lan.
Thể chế tài chính đa phương này cảnh báo nguy cơ xảy ra một sự hỗn loạn mới và nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng, gây gián đoạn hoạt động cho vay và khiến nhiều người đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn, đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức 1%, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái và gây áp lực lớn đối với các nền kinh tế mới nổi.
Vì vậy, IMF kêu gọi các nước thành viên tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát cao kéo dài.
WB cũng cho rằng các cuộc khủng hoảng đa chiều và liên tiếp vài năm gần đây đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới trong hơn hai thập niên qua.
[Infographics] Dự báo tăng trưởng năm 2023 của các nền kinh tế lớn
Sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhất là đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine, cùng rủi ro trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ và châu Âu, đang khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. WB từng dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2023.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng lạm phát vẫn là vấn đề đáng lo ngại và việc ổn định giá cần được ưu tiên giải quyết hơn những rủi ro ổn định tài chính đối với chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Ông nhấn mạnh chỉ khi xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính rất nghiêm trọng thì mới nên đảo ngược ưu tiên này.
Trong khi đó, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Địa kinh tế thuộc Hội đồng Đại Tây Dương Hung Tran cho rằng lạm phát liên tục tăng cao đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải thực hiện các đợt tăng lãi suất mạnh tay để ổn định hệ thống tài chính.
Một sự kiện khác thu hút sự quan tâm là Hội nghị bàn tròn về nợ công toàn cầu diễn ra ngày 12/4 nhằm tìm giải pháp giải quyết gánh nặng nợ của các quốc gia đang phát triển.
Sự kiện quy tụ đại diện của các ngân hàng, thể chế cho vay đa phương, quốc gia đi vay và quốc gia cho vay, trong đó có Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất thế giới.
Hội nghị được đánh giá là mang tính xây dựng và hiệu quả khi tất cả các đại biểu tham dự đều nhất trí đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nợ.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị này, các đại biểu cũng cam kết cải thiện tính minh bạch trong việc đánh giá tính bền vững của nợ công, cũng như xác định rõ vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương.
Trước đó, Trung Quốc cho biết sẽ hủy bỏ yêu cầu các ngân hàng thương mại đa phương phải tham gia tái cấu trúc nợ cho các nước nghèo, quyết định được cho là sẽ dỡ bỏ trở ngại chính cho việc giảm nợ.
Hiện, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất đối với nhiều nước nợ cao ở châu Phi và châu Á. Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh là các ngân hàng đa phương phải nhượng bộ để đẩy nhanh việc tái cơ cấu nợ.
Thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã buộc nhiều quốc gia phải vay thêm nhiều tiền. Nợ nần của các nước này càng thêm chồng chất do việc tăng lãi suất tín dụng để giúp kiềm chế lạm phát.
Trước thềm Hội nghị mùa Xuân, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết khoảng 15% số quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và 45% đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương do nợ cao.
Tổng cộng, khoảng 25% số nền kinh tế mới nổi có rủi ro cao và phải đối với tình trạng gần như “vỡ nợ."
IMF cảnh báo, nếu không có kế hoạch cắt giảm nợ cho các quốc gia thu nhập thấp, các nền kinh tế này sẽ gặp khó khăn, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Dù đạt được một số kết quả nhưng Hội nghị mùa Xuân năm nay của WB và IMF bế mạc mà không đưa ra được tuyên bố chung sau một tuần nhóm họp. Điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với những bài toán hóc búa chưa thể giải quyết trong “một sớm một chiều."
Việc xây dựng khả năng phục hồi và định hình lại sự phát triển đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác hơn nữa của các nền kinh tế trên thế giới, như vậy mới có thể hy vọng vào “con đường phía trước” ít chông gai hơn./.