Hội nghị mùa Thu IMF-WB: Các nước nhất trí tăng mức đóng góp cho IMF

Các quốc gia thành viên IMF đã nhất trí tăng mức đóng góp cho tổ chức này, đồng thời trao cho khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi chiếc ghế thứ 3 trong ban điều hành của IMF.

Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington. (Nguồn: euractiv)

Ngày 14/0, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo các quốc gia thành viên đã nhất trí tăng mức đóng góp cho tổ chức này, đồng thời trao cho khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi chiếc ghế thứ 3 trong ban điều hành của IMF.

Tăng cường nguồn lực theo hạn ngạch của IMF và giúp châu Phi có tiếng nói lớn hơn trong tổ chức này là hai ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị mùa Thu IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) kéo dài một tuần tại Marrakech, Maroc.

Đây cũng là hội nghị đầu tiên của hai tổ chức này được tiến hành tại châu Phi kể từ năm 1973.

Phát biểu với báo giới ngày 14/10, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino - Chủ tịch Ủy ban Tài chính của IMF, xác nhận đã đạt được “thỏa thuận về việc tăng hạn ngạch đóng góp một cách có ý nghĩa vào cuối năm nay."

Hạn ngạch trên được xét dựa trên quy mô nền kinh tế của một quốc gia thành viên, xác định số tiền mà một quốc gia nên cung cấp cho IMF, quyền biểu quyết và số tiền cho vay tối đa mà nước đó có thể nhận được.

[Hội nghị thường niên WB-IMF: Hành động toàn cầu, tác động toàn cầu]

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Chủ tịch WB Ajay Banga đã kêu gọi các nước thành viên tăng cường tài trợ để các thể chế tài chính đa phương lớn nhất toàn cầuc này có thể hỗ trợ tốt hơn cho các nước bị ảnh hưởng nghèo đói và biến đổi khí hậu.

Bà Georgieva nhấn mạnh mục tiêu là "làm cho quỹ trở nên mạnh mẽ về mặt tài chính, để vẫn có thể phát triển nếu gặp phải một cú sốc khác."

Với việc trao cho châu Phi một ghế nữa trong ban điều hành IMF, theo đó tăng số thành viên ban lên 25, Tổng Giám đốc Georgieva đánh giá “điều này rất quan trọng đối với kỳ hội nghị diễn ra tại châu Phi” - sự kiện mà bà nhận định rằng "rất quan trọng về mặt biểu tượng và thực chất." Bà nêu rõ: “Một nền kinh tế thế giới thịnh vượng trong thế kỷ 21 đòi hỏi một châu Phi thịnh vượng."

Ngoài ra, nhà lãnh đạo IMF cũng bày tỏ quan ngại rằng cuộc xung đột đang diễn ra giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại Dải Gaza là "một thảm kịch" khi rất nhiều dân thường vô tội bị tấn công và làm gia tăng sự bất ổn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tuy cho rằng “đây là một nguồn cơn khác cho sự bất ổn” đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng Tổng Giám đốc IMF lưu ý hiện còn quá sớm để đánh giá hậu quả của cuộc xung đột này./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)