Hội nghị G7: Cam kết hàng tỷ USD cho an ninh lương thực toàn cầu
Nhiều quốc gia ở châu Phi và Trung Đông đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp ngũ cốc từ Ukraine nên G7 cam kết hàng tỷ USD cho vấn đề an ninh lương thực, trong đó phần lớn từ Mỹ.
Nhiều quốc gia ở châu Phi và Trung Đông đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp ngũ cốc từ Ukraine.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine hiện bị phong tỏa do chiến tranh đe dọa gây ra nạn đói ở các khu vực này. Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang cam kết hàng tỷ USD cho vấn đề an ninh lương thực, trong đó phần lớn từ Mỹ.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn tin báo chí sở tại cho biết các nước G7 sẽ cam kết cung cấp tới 5 tỷ USD (khoảng 4,7 tỷ euro) cho an ninh lương thực toàn cầu, trong đó trên 50% là từ Mỹ.
Báo Tấm gương (Spiegel) của Đức dẫn lời một quan chức cấp cao Chính quyền Mỹ phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết có tới 40 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo trong năm nay do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine - nguyên nhân sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực trên toàn thế giới.
[Đề xuất Nga, Ukraine tái tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu]
Ukraine được coi là vựa lúa mỹ ở châu Âu và là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới trước khi cuộc xung đột nổ ra. Nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia ở châu Phi và châu Á, phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu giá tốt từ Ukraine.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu lương thực qua đường biển từ Ukraine bị phong tỏa dẫn tới tắc nghẽn nguồn cung càng làm trầm trọng hơn nguy cơ xảy ra nạn đói, bên cạnh lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ của Ấn Độ. Những điều này đã khiến giá lúa mì tăng cao kỷ lục thời gian gần đây.
Theo quan chức trên của Mỹ, tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tài trợ thêm 2,76 tỷ USD để vận chuyển lương thực tới hơn 47 quốc gia và tổ chức khu vực. Trong số này, khoảng 2 tỷ USD sẽ được sử dụng để cung cấp lương thực nhân đạo trực tiếp, 760 triệu USD còn lại được dành cho viện trợ lương thực ngắn hạn và trung hạn một cách bền vững.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, Bộ trưởng Phát triển của các nước G7 đã nhất trí xây dựng một liên minh để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, với nhiệm vụ tổ chức cung cấp tài chính và hợp tác giữa các quốc gia trong việc cung cấp lương thực cho dân số thế giới.
Theo truyền thông Đức, liên minh lương thực do các nước phương Tây dẫn đầu được xem là phản ứng trước cái gọi là "khoảng trống ngoại giao," bổ sung cho các nhiệm vụ toàn cầu về lương thực và nông nghiệp của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO)./.