Hội nghị cấp cao ASEAN 43: AECC thảo luận 16 sáng kiến ưu tiên kinh tế
Ngày 3/9, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 23 đã tập trung thảo luận về 16 sáng kiến ưu tiên kinh tế (PED) của Chủ tịch Indonesia năm 2023.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trước thềm Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 tại Jakarta, ngày 3/9, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 23 đã tập trung thảo luận về 16 sáng kiến ưu tiên kinh tế (PED) của Chủ tịch Indonesia năm 2023.
Năm nay, trụ cột kinh tế bao gồm 16 PED thuộc 3 “động lực chiến lược”, cụ thể là Tái thiết và Phục hồi (tái thiết tăng trưởng khu vực thông qua việc kết nối thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh); Kinh tế kỹ thuật số (đẩy nhanh chuyển đổi số và tham gia kinh tế số một cách bao trùm); và Phát triển bền vững (thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững với một tương lai bền bỉ).
Tới thời điểm này, 6 PED thuộc “động lực chiến lược” Tái thiết và Phục hồi đều đã hoàn thành, bao gồm Khung thuận lợi hóa dịch vụ ASEAN (ASFF); Khuyến khích phục hồi, đảm bảo ổn định, khả năng phục hồi kinh tế và tài chính; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng ứng phó với khủng hoảng; ký kết Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA); thành lập Bộ phận hỗ trợ thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nằm trong tại Ban Thư ký ASEAN; và Khuôn khổ trao đổi các sáng kiến về dự án công nghiệp trong ASEAN.
Ngoài ra, 5 PED thuộc “động lực chiến lược” Kinh tế kỹ thuật số bao gồm thực hiện đầy đủ Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D (e-Form D) thông qua Cơ chế một cửa ASEAN; Tăng cường kết nối thanh toán, phổ biến kiến thức và hòa nhập tài chính kỹ thuật số nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm và tăng cường khả năng phục hồi trong lĩnh vực tài chính; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về xây dựng Hiệp định khung Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA); Không gian thí điểm quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu kỹ thuật số xuyên biên giới nhằm tạo điều kiện cho xe tự lái ở ASEAN; và Khung logistics ASEAN cho Chuỗi cung ứng kinh tế số ở khu vực nông thôn. Hiện 2 trong số 5 PED này đã hoàn thành, trong khi số còn lại vẫn đang tiếp tục được triển khai.
[Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43: Thiết lập nền móng tương lai]
Trong khi đó, “động lực chiến lược” thứ ba – Phát triển bền vững - gồm 5 PED là Lộ trình Hài hòa hóa các tiêu chuẩn ASEAN để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); Phát triển hệ sinh thái xe điện, xây dựng Khung Kinh tế Biển xanh ASEAN; Thúc đẩy tài trợ chuyển đổi nhằm hỗ trợ tài chính bền vững và kinh tế xanh; và Tuyên bố về an ninh năng lượng bền vững thông qua kết nối liên thông. Hiện 3 trong 5 PED này đã hoàn thành, trong khi 2 PED còn lại vẫn đang được triển khai.
Theo Thư ký Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia Susiwijono Moegiarso, dự kiến 11 PED trong tổng số 16 PED nói trên sẽ được hoàn tất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 này. Trong khi đó, 5 PED còn lại sẽ sớm được hoàn tất trong quý 4/2023.
Ông Susiwijono cũng tiết lộ thêm về những tiến triển liên quan đến hệ sinh thái xe điện (EV) và Khung Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA). Theo quan chức này, để phát triển hệ sinh thái EV, ASEAN đang thúc đẩy các tiêu chuẩn chung của khu vực, chẳng hạn như các trạm sạc, cũng như tăng cường hợp tác với các nước khác.
Dự kiến, DEFA sẽ được AECC nhất trí thông qua trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, qua đó mở ra một chương mới trong hội nhập kinh tế kỹ thuật số khu vực.
Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới, gia tăng năng suất, tạo việc làm có chất lượng và thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME)./.