Hội nghị Báo cáo viên tháng 9: Tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm
Các đại biểu nghe hai chuyên đề về “Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 và định hướng lớn của ngành GG-ĐT" và “Cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam."
Ngày 8/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 9/2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Hội nghị được kết nối tới 1.998 điểm cầu trên cả nước với tổng số trên 70.000 đại biểu tham dự, trong đó có 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương; 58 điểm cầu cấp tỉnh; 419 điểm cầu cấp huyện và 1.518 điểm cầu cấp xã nhằm cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên các cấp và định hướng tuyên truyền trong thời gian tới.
Các đại biểu dự hội nghị nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Ngoại giao truyền đạt hai chuyên đề: “Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 và định hướng lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo thời gian tới” và “Cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam."
Về những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Tài cho biết nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo theo Nghị quyết 29 được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.
Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng lên.
Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhiều đổi mới, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.
Theo ông Thái Văn Tài, chủ đề năm học 2023-2024: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục” phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay, thể hiện quyết tâm của ngành giáo dục trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là vấn đề quan trọng hàng đầu, giúp học sinh hình thành nhân cách, phẩm chất tốt đẹp, trở thành người công dân có ích cho xã hội.
[Báo cáo viên tuyên truyền kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV]
Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền nội dung các chuyên đề đã tiếp thu; nhấn mạnh một số trọng tâm về tình hình kinh tế-xã hội.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.
Trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD, cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước.
Cũng trong thời gian này, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị tập trung tuyên truyền sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội…
Về các hoạt động đối ngoại, sự kiện quốc tế quan trọng, Ban Tuyên giáo, báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-29/8/2023 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; kết quả Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Đề cập đến chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện (2013-2023).
Những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, và nhất là sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai./.