Hội nghị ba bên Mỹ-Nhật-Hàn: Cam kết tham vấn trước mối đe dọa chung
Mỹ-Nhật-Hàn đã nhất trí tham vấn với nhau trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa chung, nâng quan hệ đối tác lên một tầm cao mới, như một phản ứng trước thách thức về an ninh và kinh tế đặt ra.
Ngày 18/8 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, trong đó các bên tập trung vào việc tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh.
Bắt đầu hội nghị với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Trại David, bang Maryland, ông Biden tuyên bố: "Các quốc gia của chúng ta mạnh hơn và thế giới sẽ an toàn hơn khi chúng ta sát cánh cùng nhau. Và tôi biết đây là niềm tin mà cả ba cùng chia sẻ."
Nhấn mạnh về sự kiện mà ông gọi là hội nghị thượng đỉnh độc lập đầu tiên của ba quốc gia, Tổng thống Biden bày tỏ cảm ơn tới hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc.
[Nhà Trắng: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn sẽ nâng tầm quan hệ 3 bên]
Trong khi đó, phát biểu khi cả ba nhà lãnh đạo xuất hiện trước các phóng viên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói: “Hôm nay sẽ được ghi nhớ như một ngày lịch sử, nơi chúng tôi thiết lập một cơ sở thể chế vững chắc và các cam kết đối với quan hệ đối tác ba bên.”
Về phần mình, chia sẻ trước cuộc hội đàm kín giữa ba bên, Thủ tướng Kishida lưu ý: "Việc chúng tôi, ba nhà lãnh đạo, đã gặp nhau theo cách này, tôi tin rằng chúng tôi thực sự đang làm nên một trang sử mới. Cộng đồng quốc tế đang ở một bước ngoặt trong lịch sử.”
Trong khi đó, Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí tham vấn với nhau trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa chung, nâng quan hệ đối tác ba bên lên một tầm cao mới, như một phản ứng trước những thách thức về an ninh và kinh tế đặt ra.
Ba nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận trên trong hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Trại David, bang Maryland, Mỹ với tên gọi “Cam kết Tham vấn giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.”
Thỏa thuận này nhấn mạnh sự cấp thiết của phản ứng trước những thách thức chung, như mối đe dọa hạt nhân và gián đoạn chuỗi cung ứng, sau lịch sử nhiều năm căng thẳng giữa Seoul và Tokyo đã ngăn chặn hợp tác ba bên sâu hơn.
Cam kết Tham vấn là một trong số nhiều thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh. Thỏa thuận bao trùm, nằm trong một tuyên bố chung có tiêu đề "Tinh thần của Trại David," kêu gọi tổ chức các cuộc họp ba bên thường niên giữa các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia, cũng như cuộc gặp ba bên đầu tiên giữa các bộ trưởng tài chính.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo đã công bố kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ ba bên, triển khai chia sẻ dữ liệu thời gian thực về cảnh báo tên lửa Triều Tiên trong năm nay, và thành lập một nhóm làm việc để chống lại các mối đe dọa trên mạng.
Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về an ninh kinh tế và cam kết hợp tác về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và ngăn chặn xuất khẩu bất hợp pháp hoặc đánh cắp các công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại chung của ba nước về "những hành động không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ," nhắc lại lập trường đã được công bố riêng của mỗi bên về an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực Ấn ĐỘ Dương-Thái Bình Dương.
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Đồng thời, các nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Hội nghị Thượng đỉnh Ba bên Mỹ-Nhật-Hàn lần này là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ba bên được tổ chức độc lập và cũng là lần đầu tiên Tổng thống Biden mời các nhà lãnh đạo nước ngoài tới Trại David.
Giới phân tích cho rằng động thái này thể hiện mong muốn của Tổng thống Mỹ muốn làm sâu sắc quan hệ với hai đồng minh ở Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các bên dự kiến sẽ ra tuyên bố chung với những nội dung như đồng ý thiết lập các cuộc họp ba bên thường niên, phác thảo sự hợp tác ba bên trong các lĩnh vực phát triển tên lửa, an ninh mạng, an ninh kinh tế và vấn đề Triều Tiên./.