Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường

Tuyên bố chung Vientiane của ADMM nhắc lại cam kết hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng của tất cả các bên để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Quang cảnh Hội nghị ADMM-18. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 20/11 tại thủ đô Vientiane, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 18 đã chính thức khai mạc, dưới sự chủ trì của Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào.

Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng ChansamoneChanyalath, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Chủ tịch ADMM, cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước đối với Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024, trong đó có việc tổ chức ADMM-18.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào nhấn mạnh, trong bối cảnh cục diện thế giới đang có những biến động phức tạp như hiện nay, hòa bình và an ninh là nền tảng để phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Hội nghị mong chờ và hoan nghênh đóng góp của các đại biểu để bảo đảm hội nghị đạt mục tiêu tăng cường, thúc đẩy hợp tác quốc tế, giải quyết các thách thức hiện tại trong khu vực vì một ASEAN "hoà bình, thịnh vượng và tự cường."

Thay mặt đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang bày tỏ tin tưởng rằng Bộ Quốc phòng Lào sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ADMM và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), tiếp tục củng cố tình đoàn kết, sức mạnh tập thể trong ASEAN để ứng phó linh hoạt và chủ động với những thách thức an ninh đặt ra đối với khu vực, vì một khu vực hòa bình, an ninh và tự cường.

Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam ủng hộ ở mức cao nhất để Lào hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024.

Hội nghị ADMM-18 đã nghe báo cáo về kết quả Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM); thông qua Tài liệu thủ tục Quan sát viên các Nhóm chuyên gia ADMM+ do Lào, Philippines và Singapore xây dựng; thông qua Tài liệu Chiến lược "ADMM và ADMM+ sẵn sàng cho tương lai" do Brunei và Singapore xây dựng; thông qua đánh giá Chương trình Quan sát viên (2021-2023); thông qua đề nghị tham gia Chương trình Quan sát viên (2024-2027); thông qua Diễn tập Hàng hải ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 2 năm 2025; thống nhất về chương trình nghị sự của Hội nghị ADMM+ lần thứ 11 sẽ được tổ chức vào ngày 21/11.

Đặc biệt, hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Vientiane của ADMM: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường.

Tuyên bố chung ghi nhận sự phức tạp do các yếu tố địa chính trị và địa chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực và toàn cầu.

Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, bao gồm tác động của biến đổi khí hậu, mất an ninh năng lượng và khan hiếm lương thực, cùng những thay đổi về văn hóa và xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức đối với hòa bình, ổn định, an ninh trong và ngoài khu vực.

Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM và ADMM+ trong cấu trúc an ninh khu vực, tạo khuôn khổ cho đối thoại chiến lược và hợp tác quốc phòng thực chất với ASEAN là trung tâm.

Tuyên bố chung tái khẳng định ASEAN là một cộng đồng hướng ngoại, coi trọng sự tham gia và hợp tác với các đối tác đối thoại và bạn bè của ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, đồng thời duy trì và tăng cường vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, góp phần vào mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh cũng như thúc đẩy sự tự cường trong và ngoài khu vực.

Tuyên bố chung tái khẳng định việc tuân thủ các nguyên tắc và mục đích cơ bản được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) trong việc tăng cường vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN và duy trì cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ phù hợp luật pháp quốc tế vì lợi ích của người dân cũng như vai trò trung tâm của ASEAN là động lực chính trong tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và các biện pháp xây dựng lòng tin với các đối tác của khối; tái khẳng định tầm quan trọng của Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) định hướng cho ASEAN trong việc hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Tuyên bố chung ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm về Myanmar và nhắc lại cam kết của Myanmar trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tình hình hiện nay.

Tuyên bố chung nhắc lại cam kết hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng của tất cả các bên để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982./.