Hồi hộp trước kết quả cuộc họp chính sách của Fed
Nếu Fed quyết định cắt giảm lãi suất thì đây là động thái đánh dấu bước đảo chiều chính sách và là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến lâu dài của ngân hàng trung ương chống lạm phát.
Kết thúc ngày giao dịch 16/9, các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ dao động quanh những mức cao kỷ lục, trong đó phải kể đến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã thiết lập kỷ lục mới.
Diễn biến này phần nào phản ánh tâm lý hồi hộp của thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp và người dân Mỹ trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong các ngày 17-18/9 với dự báo khả năng cao Fed sẽ quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Nếu xảy ra, đây là động thái đánh dấu bước đảo chiều chính sách và là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến lâu dài của ngân hàng trung ương chống lạm phát, cũng tác động mạnh tới người dân Mỹ đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao hơn trong 2 năm qua.
Từ giữa năm ngoái, các quan chức và nhà đầu tư của Fed đã dự đoán rằng trong năm nay, Fed sẽ cắt giảm lãi suất, giảm bớt áp lực không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đang gặp khó trong hoạt động khi chi phí cao hơn.
Dù vậy, trên thực tế, gần 9 tháng qua, lãi suất vẫn chưa được cắt giảm, khiến Phố Wall “ngộp thở” trong khi người tiêu dùng tiếp tục chịu nhiều áp lực do lãi suất cao.
Kiên định với lựa chọn của mình qua mỗi cuộc họp định kỳ về chính sách lãi suất từ đầu năm tới nay, Fed lo ngại việc “nóng vội” hạ lãi suất có thể thổi bùng lạm phát hoặc khiến lạm phát bị kẹt ở mức trên mục tiêu của ngân hàng trung ương là khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Sự thận trọng ấy không phải là vô lý khi lãi suất cho vay chuẩn của Fed là một công cụ mạnh mẽ, có ảnh hưởng đáng kể đến chi phí đi vay.
Biên độ chỉ số này được điều chỉnh ra sao sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế Mỹ, hoặc là bị kìm kẹp khi lãi suất cao hoặc là được kích thích khi lãi suất được nới lỏng.
Đây là cách Fed giải quyết tình trạng lạm phát mất kiểm soát hoặc tình trạng thất nghiệp gia tăng. Hiện nay, khi lạm phát được “ghìm cương,” đưa từ những mức cao nhất trong lịch sử xuống mức bình ổn gần mục tiêu 2% GDP, thì mọi sự chú ý lại đổ dồn về sức khỏe của thị trường việc làm, nhà ở đang "oằn lưng" gồng gánh lãi suất.
Trong một năm qua, nhiều ý kiến kêu gọi Fed hạ lãi suất, nhấn mạnh tới những lo ngại về nguy cơ sắp xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, thị trường việc làm hoặc nhà ở nếu Fed không đáp ứng yêu cầu này.
Bên ngoài nước Mỹ, kỳ vọng việc Fed cắt giảm lại suất cũng dâng cao bởi điều này có thể mang tới tác động tích cực. Việc Fed hạ lãi suất được cho sẽ giúp ngân hàng trung ương các nước phát triển khác dễ cân nhắc chính sách tiền tệ hơn. Các nhà giao dịch dự đoán các ngân hàng trung ương khác sẽ lần lượt đi theo Fed.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu toàn cầu cũng hưởng lợi, vì vốn thường diễn biến theo trái phiếu kho bạc Mỹ. Lãi suất thấp hơn ở Mỹ còn có thể giúp các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi có nhiều không gian hơn để tự điều chỉnh và hỗ trợ tăng trưởng trong nước thay vì phải chịu áp lực giữ lãi suất cao để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài. Việc bảo vệ tỷ giá hối đoái sẽ nhẹ nhàng hơn khi Mỹ hạ lãi suất.
Từ đó, các ngân hàng có thể giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư trong nước. Thị trường chứng khoán cũng sẽ lấy lại phong độ nếu lãi suất thấp hơn ở Mỹ thúc đẩy hoạt động kinh tế và tránh được suy thoái.
Lâu nay, Chủ tịch Fed Jerome Powell luôn tuyên bố quyết định chính sách của Fed sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế.
Lần này, có thể thấy đã xuất hiện động lực để Fed hạ lãi suất, trong bối cảnh lạm phát dần hạ nhiệt và thị trường lao động có dấu hiệu chậm lại.
Tình trạng suy yếu trên thị trường lao động Mỹ, thể hiện rõ trong 2 báo cáo việc làm hằng tháng vừa qua, đã giúp đưa ra lý do cho việc cắt giảm lãi suất.
Tháng Tám, nền kinh Mỹ đã tạo ra ít việc làm hơn dự kiến, trong khi số liệu việc làm tháng Bảy thấp bất ngờ, tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh của gần 3 năm, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế đang hướng đến thời kỳ suy thoái.
Giới phân tích khẳng định thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt và “đã đến lúc” phải cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng Tám vừa qua phù hợp với dự báo, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng 2,9% của tháng Bảy, và lạm phát của kỳ 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Phát biểu hồi tháng 8 tại Jackson Hole, Wyoming, ông Powell nhấn mạnh rằng Fed đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ thị trường việc làm và đảm bảo đạt được kịch bản "hạ cánh mềm" vốn rất khó khăn.
Khi tín hiệu Fed sẽ đảo chiều chính sách lãi suất trở nên rõ ràng, dư luận đang hướng tới những khả năng biên độ cắt giảm mà Fed sẽ đưa ra, từ mức lãi suất hiện là 5,3%.
Tính đến ngày 16/9, tỷ lệ đặt cược trên Phố Wall về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm đã lên tới khoảng 64%, tăng mạnh từ 18% trong kết quả thăm dò công bố ngày 11/9.
Cũng không ít nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ cắt giảm lớn hơn, thay vì mức 0,25 điểm phần trăm như thông lệ.
Andy Brenner, giám đốc thu nhập cố định quốc tế tại hãng NatAlliance Securities, cho rằng Fed nên cắt giảm 0,5 điểm phần trăm. Dữ liệu bán lẻ được công bố trong ngày 17/9 có thể ở mức yếu, góp phần củng cố lập luận về một đợt cắt giảm lớn hơn. Quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm cũng là kỳ vọng từ các nhà kinh tế của hãng dịch vụ tài chính JPMorgan.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn thận trọng về khả năng Fed hành động mạnh tay trong đợt cắt giảm này vì một quyết định như vậy sẽ vô hình trung được thị trường tiếp nhận như tín hiệu cho thấy Fed đang lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ.
Subadra Rajappa, trưởng nhóm phân tích chiến lược lãi suất Mỹ tại tập đoàn tài chính Société Générale, tin rằng Fed có xu hướng quyết định “vừa miếng” với những gì thị trường ước đoán, do đó khả năng cắt giảm 0,25 điểm phần trăm là cao hơn.
Với nhận định tương tự, Gennadiy Goldberg, trưởng nhóm chiến lược lãi suất Mỹ tại ngân hàng đầu tư TD Securities (Canada), lưu ý sẽ có những mặt trái khi cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vì điều này cho thấy trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách của Fed lo lắng nhiều về nền kinh tế.
Theo chuyên gia Goldberg, các thị trường có thể cho rằng có điều gì đó không ổn và Fed nhìn thấy điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra.
Về lâu dài, giới phân tích còn đánh giá hành động của Fed trong ngày 18/9 sẽ đưa ra tín hiệu gì về tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm 2025 và điểm tới hạn của hành động này.
Liệu có khả năng điều này sẽ là mở đầu cho một loạt các đợt cắt giảm lãi suất, giúp việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn khi Fed cho rằng đã có thể kiềm chế được lạm phát?
Nếu các quan chức Fed kết luận rằng lạm phát về cơ bản đã bị đánh bại và không còn cần phải “kìm hãm” nền kinh tế để phong tỏa lạm phát nữa, Fed có thể tính tới việc đưa lạm phát về mức "trung lập" hơn, có thể dưới 3% và điều này sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra sẽ đòi hỏi một loạt các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo./.