Hoạt động liên kết xuất bản: Lợi nhuận ít, 'đời sống' sách bị bỏ quên
Hoạt động liên kết xuất bản khiến thị trường sách phong phú, đa dạng hơn, song bất cập trong quản lý khiến các nhà xuất bản dường như đang ‘treo’ sinh mệnh chính trị của mình lên những cuốn sách.
Hoạt động liên kết xuất bản đã giúp cho thị trường sách Việt Nam “trăm hoa đua nở,” chắp cánh cho nhiều tác phẩm có giá trị đến được với độc giả. Tuy nhiên, mô hình này cũng cho “ra lò” những cuốn sách dở, bị cơ quan chức năng “tuýt còi,” bị dư luận xã hội lên án. Thậm chí, có ý kiến cho rằng thời buổi này, chỉ cần bỏ tiền ra là ai cũng có thể in thơ, in sách, trở thành “nhà thơ,” “nhà văn.”
Thực tế cho thấy việc quản lý mô hình liên kết xuất bản vẫn còn nhiều bất cập. Đó là lý do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản” ngày 26/9 tại Hà Nội để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Liên kết hay 'bán' giấy phép?
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết kể từ năm 1993, Luật Xuất bản cho phép cá nhân, tổ chức được thành lập cơ sở in và phát hành. Từ đây, một số nhà sách tư nhân đã chủ động liên hệ với tác giả, đầu tư kinh phí tìm kiếm bản thảo để gửi đến nhà xuất bản đăng ký xuất bản, sau đó tổ chức in và phát hành. Luật Xuất bản (sửa đổi) năm 2004 chính thức cho phép nhà xuất bản được liên kết với tổ chức, cá nhân cho ra đời các loại xuất bản phẩm.
[Phát triển ngành xuất bản đa nền tảng để thúc đẩy văn hóa đọc]
"Quy định này tạo điều kiện cho nhiều nhà xuất bản tháo gỡ được vấn đề thiếu vốn để đầu tư bản thảo. Đây là một chủ trương đúng, đem lại diện mạo mới cho ngành xuất bản, góp phần phát triển văn hóa đọc," ông Nguyên khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng chỉ ra thực tế là một số nhà xuất bản buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng, gây bức xúc dư luận.
“Vấn đề phí quản lý trong liên kết giữa nhà xuất bản và đơn vị liên kết còn nhiều bất cập; mặt bằng phí quản lý chưa phù hợp; bài toán kinh tế liên kết chưa có lời giải thoả đáng. Cũng bởi mối liên kết lỏng lẻo này nên một số trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc hỗ trợ đơn vị liên kết còn hạn chế. Nhiều đơn vị sau khi biên tập, cấp phép hầu như không còn quan tâm đời sống của cuốn sách; không đầu tư tạo giá trị gia tăng từ thương hiệu nhà xuất bản,” ông Nguyên nói.
Thêm vào đó, một số doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm không chấp hành nghiêm quy định pháp luật và thỏa thuận với nhà xuất bản như: Tự in tăng số lượng, không nộp lưu chiểu, thậm chí thay đổi nội dung bản thảo, vi phạm pháp luật về xuất bản và bị xử lý. Giấy phép đã trao tay, các nhà xuất bản đương nhiên phải gánh hậu quả trước công luận và pháp luật. Hiếm khi các đối tác liên kết phải chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi của mình.
Bất cập này có nguyên nhân về cơ chế, chính sách cùng với việc các nhà xuất bản chuyển dịch chậm, không bắt nhịp được với cơ chế thị trường trình độ, nghiệp vụ của cả lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản còn hạn chế; một bộ phận đơn vị tham gia liên kết có tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn, thậm chí là “chụp giật”.
Là người trực tiếp tham gia vào mối liên kết xuất bản, ông Lê Thanh Hà, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra rằng lâu nay hoạt động liên kết bị xem là “bán” giấy phép xuất bản. Nhiều nhà xuất bản không tự tổ chức được bản thảo mà bản thảo do các đối tác liên kết tự thiết kế, dàn trang, vẽ hình… nên bộ phận chuyên môn của nhà xuất bản dần biến mất. Mất đi khả năng tổ chức bản thảo, nhiều đơn vị tiến hành thu “khoán” cho việc cấp giấy phép.
“Các nhà xuất bản như vậy xuất hiện ngày càng nhiều, cạnh tranh quyết liệt với nhau, nên có lúc chỉ còn thu khoảng một triệu đồng cho một tờ giấy phép. Nguồn thu ngày càng eo hẹp dẫn đến nhiều thủ tục xuất bản bị rút gọn, tất yếu là quy trình xuất bản không được đảm bảo. Sai phạm sách trong thời gian qua chủ yếu rơi vào tình trạng này,” ông Hà nêu rõ.
Thiếu thống nhất về khung quản lý phí
Theo bà Ngô Thu Phương, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học, hoạt động liên kết xuất bản hiện nay có nhiều tiêu cực là do không có quy định thống nhất về khung quản lý phí xuất bản phẩm, dẫn đến tình trạng một số nhà xuất bản thu phí quá thấp hoặc quá cao, không tương xứng với mức thù lao trí tuệ nói chung, làm nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có quy định việc thu hồi quyết định xuất bản nếu đối tác không thực hiện in xuất bản phẩm trong thời hạn hoặc sản phẩm không đủ điều kiện để nộp lưu chiểu.
Từ thực tế đó, bà Phương kiến nghị cơ quan quản lý bổ sung thêm các quy định phù hợp để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động liên kết xuất bản.
Đề cập tới một khía cạnh khác, ông Phạm Minh Phúc, Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho hay quy trình liên kết xuất bản của Nhà xuất bản Khoa học xã hội hiện nay được làm rất chặt chẽ, hạn chế được những sai sót. Để thực hiện quy trình này, đơn vị tốn rất nhiều công sức của các bộ phận chuyên môn, kéo theo đơn giá dịch vụ liên kết xuất bản tăng lên.
Giá tăng khiến các đơn vị liên kết khác “chê đắt” và họ mang bản thảo của mình đến nhà xuất bản khác. Như vậy, ở đây xuất hiện một mâu thuẫn rất lớn giữa việc nâng cao chất lượng xuất bản phẩm với bài toán kinh tế.
Để giải quyết vấn đề này, ông Phúc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định giá sàn đối với các công việc liên quan đến liên kết xuất bản, đặc biệt là đơn giá biên tập, duyệt nội dung xuất bản đối với từng loại sách. Bên cạnh đó, cần quy định đối tác liên kết phải chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền tác giả cũng như đồng trách nhiệm với nhà xuất bản về chất lượng nội dung.
“Có như vậy công tác liên kết xuất bản mới đảm bảo chất lượng đồng thời đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà xuất bản,” ông Phúc khẳng định.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định liên kết xuất bản đã có đóng góp rất quan trọng với sự phát triển của nền xuất bản và văn hóa đọc nước nhà. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản vẫn đang phải chật vật với bài toán liên kết xuất bản, đó là lợi nhuận thu về thì ít mà trách nhiệm thì nhiều.
“Các nhà xuất bản đang ‘treo’ sinh mệnh chính trị của mình lên những cuốn sách. Họ phải chịu trách nhiệm rất lớn nếu ‘vấp’ phải những cuốn sách có nội dung xấu,” Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng ghi nhận rằng hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi ý kiến về hoạt động liên kết xuất bản giữa các nhà xuất bản với các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm, đề xuất các ý kiến để tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục bàn thảo với các đơn vị trong ngành, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết xuất bản./.