Hoạt động gìn giữ hòa bình - Điểm sáng trong quan hệ đa phương
Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27/5/2014-27/5/2024), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài “Nhìn lại một thập kỷ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình."
Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng theo chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các ban, bộ, ngành.
Một thập kỷ qua, việc tham gia chủ động, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần tích cực nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong quá trình đó có sự đóng góp quan trọng của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Chặng đường 10 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, từ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (năm 2014) đến Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (từ năm 2017 tới nay) đã ghi lại nhiều dấu ấn với những bước tiến không nhỏ, đóng góp vào hoạt động đối ngoại của đất nước nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng.
Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27/5/2014-27/5/2024), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài “Nhìn lại một thập kỷ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình."
Bài 1: Hoạt động gìn giữ hòa bình - Điểm sáng trong quan hệ đa phương
Hoạt động gìn giữ hòa bình là một cơ chế đặc biệt, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triển khai lần đầu tiên vào năm 1948, đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, chấm dứt xung đột, xây dựng hòa bình bền vững tại hàng chục quốc gia.
Việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Hành trình 10 năm đánh dấu những bước trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả, kiến tạo hòa bình bền vững cho thế giới, qua đó nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng và truyền thông quốc tế.
Quá trình chuẩn bị lâu dài, tích cực
Ngày 20/9/1977, Liên hợp quốc - tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó các thách thức toàn cầu - chính thức kết nạp Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 149. Từ năm 1996, Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo tỷ lệ phần trăm GDP do Liên hợp quốc và Việt Nam thỏa thuận.
Suốt trong những năm từ 2005-2012, Đảng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao... đã ban hành, phê duyệt chủ trương và tổ chức nhiều chuyến nghiên cứu, khảo sát thực tế, đến một số phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tham quan, học hỏi mô hình, kinh nghiệm của một số quốc gia đối tác để chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động này.
Ngày 23/11/2012, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc." Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, trong đó đề ra định hướng: “Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương," “trong đó có việc tham gia các hoạt động ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…”.
Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tháng 6 cùng năm, Việt Nam chính thức cử hai sỹ quan quân đội đầu tiên đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, tháng 11/2017, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được tổ chức lại thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; đồng thời tháng 1/2018 chuyển giao Tổ Công tác liên ngành từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng để bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa tại Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “… giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước” và “Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc."
Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, tích cực, chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các mặt từ hợp tác quốc tế, xây dựng cơ chế pháp lý, chính sách trong nước đến xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, huấn luyện, mua sắm trang bị, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... Đây là những nội dung phức tạp, quan trọng, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, ban, ngành, tổ chức trong và ngoài quân đội, cả trong nước và quốc tế.
Cùng với quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý, chúng ta đã triển khai nghiên cứu, đề xuất và bước đầu thực hiện chính sách bảo đảm cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc một cách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị và cá nhân tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ đó nâng cao uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá từ khi ra đời, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xác định rất rõ ba chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chiến lược về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ công tác chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Liên hợp quốc và tại các phái bộ. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam và của Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại các phái bộ.
"Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần đóng góp vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, của Quân đội Việt Nam," Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh.
Trụ cột quan trọng trong đối ngoại quốc phòng
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng, là điểm sáng trên nhiều bình diện trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong 10 năm, dù còn gặp rất nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả.
Theo Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, một thập kỷ qua, chúng ta đã cử 804 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 5 thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai tại phái bộ UNMISS (Nam Sudan); 2 thê đội của Đội Công binh triển khai tại phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) và 114 lượt sỹ quan triển khai theo hình thức cá nhân tại Trụ sở Liên hợp quốc, phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi.
Các đơn vị và các sỹ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ Liên hợp quốc và Bộ Quốc phòng giao. Nhiều sỹ quan khi kết thúc nhiệm kỳ được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tặng thưởng Bằng khen, Thư khen.
Đặc biệt, 100% cán bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam được chỉ huy các phái bộ thay mặt Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Số lượng cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của Liên hợp quốc và các quốc gia cử quân khác.
Theo đánh giá của chỉ huy phái bộ và các cơ quan của Liên hợp quốc, lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thể hiện sự chuyên nghiệp, sáng tạo, kỷ luật cao và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với chỉ huy các phái bộ cũng như bạn bè, đồng nghiệp quốc tế.
Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là các đơn vị như Đội Công binh tại khu vực Abyei và Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Cộng hòa Nam Sudan đã tích cực giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương, như tham gia xây dựng đường, cải tạo lớp học; tổ chức dạy học tình nguyện; khoan giếng nước tặng khu dân cư địa phương và các trường học; tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân...
Với những kết quả tiêu biểu trong công tác thiện nguyện, Đội Công binh Việt Nam được Chỉ huy phái bộ UNISFA, chính quyền địa phương và người dân khu vực Abyei đánh giá cao vì đã góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương và phái bộ.
Bên cạnh đó, các đơn vị và tổ công tác tại các phái bộ luôn chấp hành nghiêm mọi quy định của Liên hợp quốc, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trên các cương vị được phân công, góp phần khẳng định trách nhiệm, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
Cùng với đó, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam còn làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh người lính mũ nồi xanh Việt Nam cũng như hình ảnh, truyền thống, phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới đến với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế, với đồng bào trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Bề dày truyền thống suốt 10 năm qua mà các thế hệ đã cống hiến, xây dựng và vun đắp chính là niềm tin, niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, chiến sỹ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam hôm nay. Với những thành tích đạt được, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2019), Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2021), liên tục nhiều năm được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tặng Cờ thi đua trong Phong trào Thi đua Quyết thắng (các năm: 2018, 2019, 2021, 2022, 2023) và nhiều bằng khen, giấy khen khác./.
Xem tiếp:
Bài 2: Cam kết mạnh mẽ, đóng góp lâu dài