Hoàn thành Dự án bảo tồn khẩn cấp 500 Mộc bản triều Nguyễn
Dự án Bảo tồn Mộc bản triều Nguyễn do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ đã được thực hiện thành công với sự tham gia của nhiều cán bộ lưu trữ tay nghề cao và giàu kinh nghiệm.
Chiều 25/5 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Lễ công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu Thế giới bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.
Đây là dự án do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) tài trợ.
Mộc bản Triều Nguyễn đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV gồm 34.555 mộc bản khắc chữ Hán.
Nội dung của Mộc bản Triều Nguyễn phong phú, đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam thời Nguyễn; được khắc trên gỗ và được sử dụng để in sách ở Việt Nam trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Mộc bản Triều Nguyễn được tạo ra trong quá trình hoạt động của nhà Nguyễn và được sử dụng để nhân bản tư liệu nhằm phổ biến các chuẩn mực xã hội, đồng thời cũng được sử dụng để ghi chép thành tích của các vị vua, các sự kiện lịch sử, các sự kiện trong tương lai, binh biến…
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết mặc dù Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số đề án lớn nhằm bảo tồn Mộc bản triều Nguyễn nhưng do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên, khí hậu nhiệt đới, các hoạt động qua nhiều thế kỷ nên vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm cần có sự tham gia đóng góp của cộng đồng xã hội trong việc kéo dài tuổi thọ của tài liệu này.
Dự án Bảo tồn Mộc bản triều Nguyễn do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ năm 2020 đã được thực hiện thành công với sự tham gia của nhiều cán bộ lưu trữ tay nghề cao và giàu kinh nghiệm.
[Ký ức thời gian trên những tấm mộc bản hàng trăm năm tuổi]
Tháng 7/2020, Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ đã tài trợ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam số tiền trên 88.000 USD để bảo tồn 500 Mộc bản triều Nguyễn đã xuống cấp tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (thành phố Đà Lạt).
Thành công lớn nhất của dự án là không chỉ bảo tồn, trùng tu 500 tấm Mộc bản đã xuống cấp mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý di sản và người dân địa phương trong việc bảo tồn di sản.
Đây cũng là thành quả tích cực của quá trình hợp tác và mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ Hoa Kỳ mà trực tiếp là Đại sứ quán Hoa Kỳ trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu, đặc biệt là Mộc bản triều Nguyễn.
Tại buổi lễ, ngài Marc Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu: “Mộc bản triều Nguyễn là loại hình đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác, được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Mộc bản là nguồn tài liệu quý giá phục vụ cho việc học và nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ rất vinh dự chung tay cùng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trong việc bảo tồn kho báu quý giá này, thông qua Chương trình Quỹ bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP)."
Theo Đại sứ Marc Knapper, kể từ năm 2001, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam 16 dự án với tổng giá trị hơn 1,2 triệu USD, góp phần bảo tồn nên di sản văn hóa đa dạng và độc đáo của Việt Nam...
Bảo tồn di sản văn hóa chỉ là một trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Trong các lĩnh vực khác như thương mại, phát triển, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh, Hoa Kỳ và Việt Nam luôn đồng hành vì một cam kết chung về hòa bình và thịnh vượng.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã tham quan kho lưu trữ 34.555 tấm Mộc bản triều Nguyễn, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Kể từ khi khoản tài trợ của Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ được thông qua vào tháng 7/2020, nhóm kỹ thuật đã tiến hành khảo sát, xác định, đánh giá mức độ hư hỏng của 500 tấm Mộc bản Triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm.
Từ tháng 1 đến hết tháng 8/2021, nhóm kỹ thuật đã tiến hành xử lý bảo tồn 500 tấm Mộc bản Triều Nguyễn bị mủn mục lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.
Theo quy trình xử lý kỹ thuật, 500 tấm Mộc bản mủn mục đã được xử lý kỹ lưỡng bởi phương pháp tương tự xử lý mộc bản tiêu chuẩn đã được nghiên cứu và sử dụng ở nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... giúp ngăn chặn sự xuống cấp của hiện vật, tăng độ cứng, đảm bảo khả năng khai thác thông tin (sử dụng và in ấn); góp phần vào việc phục chế, gia nhập tài liệu mộc bản…/.