Hoan hỉ mùa Vu Lan báo hiếu trong cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Liên bang Nga
Với những người con xa xứ, pháp thoại về ý nghĩa của Vu Lan, nghi lễ bông hồng cài áo... là lời nhắc nhở về đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, ứng xử hiếu đạo với đất mẹ quê hương.
Trong những ngày tháng Bảy âm lịch, cùng với Phật tử cả nước, bà con Việt Nam đang làm ăn, học tập và sinh sống tại Liên bang Nga cũng đang hướng về mùa Vu Lan báo hiếu, tưởng niệm tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục trời biển của ông bà, cha mẹ, thầy cô, cùng nhau hướng về quê hương nguồn cội.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, mùa Vu Lan năm nay đặc biệt ý nghĩa khi đánh dấu tròn 10 năm xây dựng Ngôi Tam Bảo tại Niệm Phật Đường Incentra Moskva, nơi cùng với Trung tâm đa chức năng Hà Nội-Moskva và ngôi Chùa Một Cột đã trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh thân thương đối với bà con Phật tử nói riêng cũng như toàn thể cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga.
Vì vậy, tham dự lễ Vu Lan Phật lịch 2568, Dương lịch 2024 không chỉ có bà con Phật tử tại Moskva, mà còn có bà con từ những thành phố xa xôi khác và cả Phật tử người Nga.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử đoàn đại diện sang chúc mừng và chủ trì đại lễ Vu Lan. Đại sứ Đặng Minh Khôi, Trưởng ban Công tác cộng đồng Lê Quang Anh đại diện Đại sứ quán, và Chủ tịch Hội người Việt Đỗ Xuân Hoàng đến dự và chúc mừng.
Nhiệt liệt chúc mừng thành tựu 10 năm đóng vai trò chăm sóc nhu cầu văn hóa tín ngưỡng cho bà con của Niệm Phật Đường, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì được văn hóa, truyền thống của dân tộc, để giáo dục, hướng thiện cho tất cả con em chúng ta, và đoàn kết toàn thể cộng đồng sống "tốt đời đẹp đạo."
Việc xây dựng và duy trì hoạt động những địa chỉ hoạt động tôn giáo hoằng truyền chính pháp, xiển dương truyền thống văn hóa như Niệm Phật Đường Incentra Moskva đã khẳng định sự gắn kết của Hội Phật tử Việt Nam, cộng đồng Việt Nam tại Liên bang Nga với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với quê hương, là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng Phật tử Việt Nam nói riêng, và khối đại đoàn kết dân tộc nói chung.
Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà còn là bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Các nghi lễ Phật giáo trở thành nếp sống của đại bộ phận người Việt Nam, và ở Liên bang Nga không là ngoại lệ. Vì vậy, duy trì các hoạt động Phật giáo cũng là duy trì các truyền thống văn hóa của người Việt.
Dự lễ Vu Lan có nhiều gia đình mang theo con em, chính là để các em nhỏ dẫu sinh ra và lớn lên tại nước ngoài được chứng kiến và tham dự, cảm nhận được văn hóa ruột thịt của mình.
Hai vợ chồng anh Nguyễn Đức Thính từ thành phố Upha cách Moskva tới 1.200 km đã đưa hai con đi dự lễ Vu Lan với mong muốn một cách trực quan truyền tới các con các giá trị văn hóa tốt đẹp và đáng tự hào của dân tộc.
Trong khi đó, gắn bó với Niệm Phật Đường từ ngày đầu xây dựng, anh Cấn Văn Nam ở thành phố Moskva, luôn mong muốn được đón hòa thượng, tăng ni từ quê nhà, được nghe giảng pháp.
Em Trần Công Tâm Anh, sinh viên khoa Quan hệ quốc tế Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc (RUDN), cho biết Vu Lan này đối với em rất đặc biệt vì bản thân chưa thể báo hiếu mẹ cha theo cách em muốn. Do vậy, cách Tâm Anh lựa chọn để báo hiếu trong Vu Lan năm nay là học tập tốt để cha mẹ được nở nụ cười.
Với đông đảo người dân xa xứ, xa quê hương, xa cha mẹ, anh em thì những pháp thoại về ý nghĩa của Vu Lan, nghi lễ bông hồng cài áo, thực sự là điểm lặng của mỗi cá nhân sau những lo toan, vất vả mưu sinh nơi xứ người, là lời nhắc nhở về đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái. Với họ, Vu Lan không chỉ là báo hiếu mẹ cha, mà còn là ứng xử hiếu đạo với đất mẹ quê hương./.