Họa sỹ tuổi Rồng Nguyễn Thu Huyền: Vẽ tranh bằng vải, tô màu bằng kim
Họa sỹ Nguyễn Thu Huyền là cô gái tuổi Rồng đa tài, không chỉ có năng khiếu hội họa, có dấu ấn riêng ở dòng tranh vải, cô còn tham gia viết sách và giảng dạy mỹ thuật.
Những ngày giáp Tết, “Ngôi nhà nghệ thuật” House of Art của họa sỹ Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 1988) rộn ràng tiếng cười nói trẻ thơ – học trò của nữ họa sỹ đang háo hức tô tô vẽ vẽ, trang trí áo dài để diện Tết.
Họa sỹ tuổi Rồng Nguyễn Thu Huyền là tên tuổi thành danh ở dòng tranh ghép vải. Những năm gần đây, cô còn dành thời gian dạy vẽ và viết sách về mỹ thuật. Với Huyền, làm tranh vải là đam mê của bản thân còn dạy học và viết sách lại là cách Huyền trao đi tình yêu hội họa đến những người khác.
Sáng tạo riêng ở dòng tranh ghép vải
Trong hội họa, nếu bút lông là phương tiện, màu là chất liệu thì với họa sỹ Nguyễn Thu Huyền, kim là bút lông; chỉ, vải là chất liệu để cô thỏa sức sáng tạo bất cứ chủ đề nào.
Huyền vốn yêu thích mỹ thuật và may vá từ nhỏ. Khi học đại học ngành thiết kế thời trang, cô có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại vải. Thấy vải vụn thừa nhiều, Huyền bắt đầu thử nghiệm để làm nên những tác phẩm nhỏ xinh cho bản thân và tặng bạn bè. Năm 2006, cô bắt đầu đăng các tác phẩm lên blog cá nhân và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Kể từ đó, Huyền nuôi dưỡng niềm đam mê và thử sức với những tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ hơn, tinh tế hơn.
“Vẻ đẹp Việt” - bức tranh đầu tiên họa sỹ Nguyễn Thu Huyền làm cùng với người bạn đại học cùng chung sở thích về trang phục của 54 dân tộc Việt Nam có kích thước 2x1,5m, được hoàn thành trong vòng 6 tháng và hiện nay vẫn đang được lưu giữ ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Khi bước chân vào “địa hạt” tranh vải, Huyền ý thức được rằng mình không phải họa sỹ duy nhất theo đuổi thể loại này, song cô đã tìm cho mình một hướng đi riêng để khi nhìn vào tác phẩm, người xem có thể nhận ra ngay đó là Nguyễn Thu Huyền.
Huyền lựa chọn chất liệu đa dạng cho tác phẩm của mình như denim, kaki, cotton, voan, lụa…, thay vì sử dụng một loại vải duy nhất.
Để bắt đầu một tác phẩm, họa sỹ dùng chì để phác thảo ý tưởng của mình ra giấy. Sau đó, cô suy nghĩ xem sẽ sử dụng loại vải gì, chất liệu gì sao cho hợp lý để bức tranh mang hơi thở nghệ thuật. Vải sẽ được xử lý bằng cách giặt, phơi khô và hồ một lớp keo, là phẳng để không bị xơ sợi. Rồi Huyền đưa từng chi tiết vào tranh và viền lại bằng chỉ thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
“Để đi một nét trên gương mặt nhân vật là việc đơn giản nếu sử dụng bút lông. Với tranh ghép vải, tôi phải dùng những sợi chỉ để tạo ra các chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và công phu rất nhiều. Cũng chính vì thế mà mỗi tác phẩm tranh vải đều là độc bản,” họa sỹ bày tỏ.
Chủ đề trong tranh vải của họa sỹ Nguyễn Thu Huyền thường thiên về hình tượng người phụ nữ: Tình mẫu tử, sự vươn lên của những người phụ nữ dân tộc, nét đẹp của người phụ nữ Hà Nội xưa...
Năm 2018, Huyền tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Tôi vẽ giấc mơ” để đánh dấu 10 năm làm nghề. Quả thực, thành công ở tranh vải như một giấc mơ đối với Thu Huyền.
Đã có lúc vì cuộc sống riêng bận rộn và vì sức khỏe của bản thân mà Huyền định từ bỏ nghệ thuật, rẽ sang một công việc khác nhưng đúng là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề, cuối cùng cô lại trở về với "người tình vải" của mình.
“Đối với Thu Huyền, nghệ thuật tranh vải không phải là một cuộc dạo chơi mà là tri kỷ, là cuộc sống, là hơi thở của tôi. Hội họa đã giúp tôi vượt lên những chênh vênh trong cuộc sống và phục hồi sức khỏe một cách thần kỳ sau cơn ốm bệnh,” Thu Huyền bộc bạch.
Nhận xét về các tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Thu Huyền, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho rằng mọi người thường quan niệm tranh ghép vải là ghép những miếng vải vụn lên các hình với màu sắc hoa văn chất liệu sao cho hợp lý thì Huyền lại tạo hoa văn riêng trên từng khối hình mảng màu. Cô chắp vải, đan tết, xếp nếp thành một thứ hoa văn của riêng mình.
“Cầu kỳ nhưng không phải thêu. Riêng biệt nhưng không phải vẽ. Thu Huyền đã thổi hồn cho những mảnh vải nhỏ bé, vô tri tồn tại trong dòng đời bất tận,” bà Nguyễn Hải Yến nói.
Lan tỏa tình yêu nghệ thuật
Năm 2014, Huyền tốt nghiệp cao học, trở thành Thạc sỹ Mỹ thuật Ứng dụng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cũng trong năm này, House of Art ra đời, trở thành cột mốc quan trọng của họa sỹ-giảng viên Thu Huyền.
Cô mở lớp vẽ dành cho học viên ở mọi lứa tuổi khác nhau từ thiếu nhi, sinh viên, người lớn cho tới các học viên về hưu, các thầy cô giáo mỹ thuật.
Ban đầu, cô thành lập trung tâm xuất phát từ niềm đam mê hội họa của bản thân, sau nữa là mong muốn cho các bạn nhỏ có sự định hướng sớm, có sự hướng dẫn chuyên nghiệp của giáo viên để phát huy tốt nhất năng lực của mình và trở thành họa sỹ, nhà thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất… trong tương lai.
“Tôi mong muốn đem kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình để mang đến cho học viên, đặc biệt là trẻ em một sân chơi nghệ thuật đúng nghĩa, với các bài học sáng tạo bổ ích và thú vị nhất,” họa sỹ Thu Huyền chia sẻ.
Ý tưởng ban đầu là lan tỏa nghệ thuật đến mọi người, song quá trình giảng dạy đã mang lại cho Huyền nhiều cảm xúc, trải nghiệm. Bản thân cô cũng được các học trò của mình truyền cảm hứng mạnh mẽ.
"Tôi có một học trò ở tuổi 60 có sở thích vẽ tranh từ nhỏ, nhưng do sự ngăn cản của gia đình, gánh nặng của cơm áo gạo tiền khiến bà không thể theo đuổi được đam mê. Người phụ nữ đó giúp tôi hiểu rằng 60, 70 chưa phải là muộn để chúng ta tìm lại quá khứ, tìm lại bản ngã và đam mê của mình," nữ họa sỹ chia sẻ.
Bên cạnh đó, nếu sáng tác là công việc độc lập, đôi khi khiến người nghệ sỹ cô đơn trong thế giới nghệ thuật của mình, thì giảng dạy lại là quá trình tương tác với mọi người, nơi sự cho đi và nhận lại luôn song hành từ cả người dạy và người học.
“Tôi biết ơn hội họa đã để tôi được thấy cuộc đời mình hạnh phúc và đáng giá biết bao nhiêu, biết ơn vì nghề đã chọn tôi, còn tôi thì luôn nỗ lực mỗi ngày để cuộc sống trôi qua đầy ý nghĩa và tự hào,” Thu Huyền tâm sự.
Chính vì mong muốn đó mà nữ họa sỹ bắt tay viết sách dạy mỹ thuật cho thiếu nhi với các bộ sách “Nào mình cùng vẽ” (Nhà xuất bản Mỹ thuật), “Nào mình cùng vẽ” (3 tập, Nhà xuất bản Kim Đồng) và “Vẽ tất tật từ các hình cơ bản” (5 tập, Nhà xuất bản Kim Đồng).
Năm 2024, để đánh dấu “năm tuổi” của mình, Thu Huyền sẽ hoàn thành cuốn sách khám phá trang phục truyền thống của các nước trên thế giới. Huyền bảo đây là dự án lớn nhất trong sự nghiệp của mình bởi Huyền không chỉ tỉ mỉ vẽ trang phục truyền thống của 40 quốc gia mà còn công phu biên soạn nội dung, giới thiệu về trang phục, văn hóa của các quốc gia đó.
Khi được yêu cầu dùng 5 từ mô tả về bản thân, Huyền trả lời ngay đó là: Khiêm tốn, sáng tạo, kiên định, nghị lực và tử tế. Đó là điều cô luôn tâm niệm để tiến bước trên hành trình nghệ thuật của mình./.