Hoa Kỳ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phòng chống HIV
CDC Hoa Kỳ đã làm việc tại Việt Nam từ năm 1998. Thông qua Chương trình PEPFAR, kể từ năm 2005, hàng nghìn người sống chung với HIV đã có thể tiếp cận phương pháp điều trị giúp cải thiện cuộc sống.
CDC Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thông qua các hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo rằng tất cả các nhóm đối tượng đích là người lao động đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu dù họ đang làm việc và sinh sống ở đâu. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được một thế hệ không có HIV và có được lực lượng lao động khỏe mạnh.
Ông Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Phổ biến hướng dẫn triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động," do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 14/9, tại Hà Nội.
Đẩy mạnh hợp tác đa ngành
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay tại Việt Nam, dịch HIV đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM). Phân tích qua những thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong số mới phát hiện nhiễm HIV là MSM có sự tập trung cao trong nhóm đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp...
[Những ‘mắt xích’ quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS]
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay trên toàn quốc có hơn 222.000 người có HIV, số ca tử vong do HIV tích luỹ đến nay là 112.368 người. Số ca mắc mới HIV từ đầu năm đến nay là hơn 11.000 ca, số ca tử vong từ đầu năm 2023 đến nay là 1.582 trường hợp. Đáng lưu ý, tỷ lệ phát hiện ca mắc HIV trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (Nam: 84%, trong khi nữ chỉ có 16%). Đường lây bệnh HIV qua thống kê chủ yếu là qua đường quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm trở thành đường lây chính.
Ông Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện có tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm MSM và tiếp tục tăng hàng năm, đặc biệt là ở nhóm tuổi 15-29. Đáng lưu ý khi ở một số tỉnh, 80% số ca nhiễm HIV mới là người trong độ tuổi lao động làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp bao gồm cả lao động nhập cư. Do đó, CDC Hoa Kỳ nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác, đối tác đa ngành nhằm giảm thiểu tác động của dịch HIV.
"Đây là lý do tại sao chúng tôi hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) ở nhiều cấp khác nhau, để tăng cường phòng ngừa HIV tại nơi làm việc," ông Eric Dziuban cho biết.
Tiếp cận các phương pháp điều trị mới
Theo ông Eric Dziuban, CDC Hoa Kỳ đã làm việc tại Việt Nam từ năm 1998, hỗ trợ các chương trình y tế trong các lĩnh vực như HIV, cúm, an ninh y tế toàn cầu, tiêm chủng cũng như đại dịch COVID-19 và dịch đậu mùa khỉ.
Hiện CDC Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ Việt Nam ứng phó với HIV/AIDS trong hơn 20 năm qua. Thông qua Chương trình PEPFAR (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS), kể từ năm 2005, hàng nghìn người sống chung với HIV đã có thể tiếp cận phương pháp điều trị mới - giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo hiệu quả làm việc và cho phép họ duy trì tình trạng khỏe mạnh của mình.
Chỉ trong quý 2/2023, PEPFAR Việt Nam (bao gồm CDC) đã hỗ trợ xét nghiệm HIV cho gần 54.000 khách hàng được xác định là MSM/LGBTQI+, người hành nghề mại dâm hoặc người tiêm chích ma túy với hơn 1.800 trường hợp dương tính với HIV được chuẩn đoán; hỗ trợ 5.500 khách hàng bắt đầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các OPC điều trị ARV cho hơn 92.000 người sống chung với HIV (PLHIV), ông Eric Dziuban cho biết.
Tại hội thảo, ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết tài liệu hướng dẫn triển khai phòng, chống HIV/AIDS nhằm chuẩn hóa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động, để các địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai các hoạt động nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho công nhân. Đặc biệt, sự phối hợp giữa 2 ngành với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp sẽ góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho công nhân.
Tài liệu này là cẩm nang cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp với Liên đoàn lao động địa phương, tiếp tục phổ biến tài liệu hướng dẫn này đến tuyến huyện, đặc biệt là những huyện có nhiều khu công nghiệp; xây dựng kế hoạch cụ thể và xác định được những địa bàn ưu tiên triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động.
Theo ông Sơn, hai ngành y tế và Liên đoàn lao động nên có những buổi giao ban định kỳ để nắm bắt tiến độ triển khai các hoạt động đã thống nhất và có giải pháp tháo gỡ những khó khăn (nếu có).
Tại Hội thảo, ngoài phổ biến hướng dẫn, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động và những khó khăn khi triển khai... từ đó các bên có thể đưa ra những giải pháp tháo gỡ để các địa phương học tập nhau triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động một cách hiệu quả hơn./.