Hóa giải thách thức, nâng giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp

Việc sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo là do các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang ở trong bối cảnh rất khó khăn khi thiếu đơn hàng, cùng đó là khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Sản xuất các đơn hàng da giày phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong quý 1/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm 11,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, có tới 15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó 4 trung tâm phát triển công nghiệp là Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Phúc tăng trưởng âm trong quý 1/2023.

Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tới hơn 85% kim ngạch xuất khẩu) đã không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý đầu năm - khi sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh, chỉ số tồn kho toàn ngành tăng cao.

Để làm rõ hơn, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về giải pháp thúc đẩy sản xuất cũng như tăng trưởng công nghiệp trong các quý tiếp theo.

Đơn hàng giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

- Xin ông cho biết đâu là các nguyên nhân chính dẫn đến sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong quý đầu năm?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Đầu tiên là nguyên nhân từ các yếu tố bên ngoài, đây là nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm sản xuất công nghiệp quý đầu năm 2023, bởi thị trường của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da  giày, điện tử…

[Công nghiệp chế biến, chế tạo mất vai trò dẫn dắt tăng trưởng ở quý 1]

Ngoài ra, việc giá nhiên liệu đầu vào cao, lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ quốc tế vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đã có những tác động lớn đến thu nhập, dẫn đến xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như EU, Mỹ. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Trong nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất liên quan. Thị trường vốn và tín dụng chưa được khơi thông dẫn đến sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm như đối với một số mặt hàng ôtô, điện tử…

Hơn nữa, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

- Một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh, chỉ số tồn kho toàn ngành tăng cao, theo ông điều này tác động/ảnh hưởng như thế nào tới phát triển chung của ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế nếu không có sự cải thiện trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Trong các phân ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng cũng như đóng góp trong GDP hàng năm lớn nhất, qua đó tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Phần lớn các lĩnh vực quan trọng của kinh tế đất nước trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào khu vực sản xuất. Công nghiệp chế biến chế tạo cũng là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định.

Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp để thích ứng với thị trường. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Với vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn bộ ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong nhiều năm vừa qua, việc công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm trong quý 1/2023 kéo theo sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế vừa rồi là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần khẩn trương có những chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp, qua đó giải phóng năng lực sản xuất trong nước, cải thiện tình hình tăng trưởng.

Lựa chọn giải pháp tối ưu cho từng lĩnh vực

- Vậy đâu là khó khăn lớn nhất trong hoạt động sản xuất công nghiệp thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Hiện nay, kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu-châu Mỹ.

Các chính sách kinh tế của một số quốc gia lớn (như chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ) dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời kỳ Zero-COVID mang lại nhiều cơ hội phục hồi chuỗi cung ứng cho các ngành sản xuất trong nước, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày của Việt Nam.

- Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành trọng điểm (%):

Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp để thích ứng với thị trường. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Trong khi đó, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận và sử dụng vốn của doanh nghiệp vẫn sẽ còn rất khó khăn do chi phí đầu vào như logistics, nguyên vật liệu, lao động… vẫn ở mức cao.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đặc biệt là các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông; thị trường bất động sản suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: Thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này, các cơ quan chức năng đã và đang tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; phối hợp với các địa phương để thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp địa phương thông qua các chương trình phát triển công nghiệp địa phương và phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp bám sát tình hình mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sau giai đoạn chính sách Zero-COVID.

Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó đặc biệt là các hàng hóa nguyên phụ liệu, linh phụ kiện để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước trong các ngành sản xuất.

Đối với ngành khoáng sản, Bộ Công Thương sẽ tham mưu để Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền sớm có ý kiến đối với dự án mỏ sắt Thạch Khê và các loại khoáng sản, mỏ khoáng sản có giá trị lớn khác (như cromit, boxit, titan…) để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.

Đối với ngành thép và ngành cơ khí, tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo…

Trong khi đó, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ôtô, các giải pháp tập trung vào việc duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, các ngành xuất khẩu chủ lực, như: dệt may, da giày, điện tử…, phía Cục Công nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình, hoạt động kết nối cung-cầu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.

Chúng ta cũng vận dụng con đường ngoại giao và thông qua hệ thống các thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... để tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới cho các ngành xuất khẩu chủ lực.

Cùng với đó, kịp thời trao đổi, phổ biến cho các doanh nghiệp về tình hình thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống, chủ lực của các ngành hàng xuất khẩu như: cơ hội từ việc mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành tiêu dùng, thời trang của EU; các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.

- Xin cảm ơn ông!

Đức Duy (Vietnam+)